Thuế nhập khẩu
Kể từ tháng 1/1995, Thụy Điển trở thành thành viên EU cũng có nghĩa là Thụy Điển trở thành thành viên của Hiệp hội Thuế quan của Liên minh châu Âu. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, hầu như toàn bộ thuế nhập khẩu của Thụy Điển đã hoàn toàn hài hoà với hệ thống thuế quan của Liên minh châu Âu.
Như đã được qui định trong điều VII của GATT, cơ sở của việc định giá hàng hóa để tính thuế là trị giá của hàng nhập khẩu, là giá thực trả hoặc phải trả của hàng hóa khi được xuất khẩu sang Thụy Điển, cộng thêm các khoản phí nhất định như là chi phí chuyên chở và bảo hiểm nếu các chi phí này chưa được tính vào giá phải trả. Trị giá thuế hải quan sẽ dựa trên cơ sở giá CIF (giá hàng, bảo hiểm và cước chuyên chở) tại nơi nhập khẩu. Thuế suất thuế nhập khẩu thay đổi tuỳ theo mặt hàng và nước xuất xứ.
Hiện nay, Thụy Điển áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu chung từ 0-20% đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước không thuộc EU và các nước không thuộc khu vực EFTA.
Miễn thuế
Theo qui định về ưu đãi chung dành cho các nước kém phát triển, Thụy Điển không đánh thuế đối với hàng hoá công nghiệp thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu (ngoại trừ hàng quần áo và giày dép) và nhiều mặt hàng nông sản từ khoảng 125 nước đang phát triển. Tất cả các sản phẩm nhiệt đới đều được miễn thuế khi nhập khẩu vào Thụy Điển.
Trong những trường hợp nhất định, các loại hàng hóa sau đây có thể được miễn thuế hải quan và các loại phí khác:
- Hàng mẫu thương mại;
- Hàng tham gia triển lãm hoặc hội chợ thương mại;
- Thiết bị chuyên môn;
- Quà biếu;
- Một số tài liệu giáo dục.
Trong một số trường hợp, nhà nhập khẩu có thể được giảm hoặc miễn thuế hải quan, điển hình nhất là khi hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước mà EU ký hiệp định thương mại tự do. Một số trường hợp khác đó là:
- Tạm nhập;
- Việc nhập khẩu các sản phẩm để tiếp tục chế biến, đóng gói lại hoặc tái xuất;
- Việc nhập khẩu các công cụ dụng cụ phục vụ khoa học.
Thụy Điển còn áp dụng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập của EU. Theo chương trình này, EU chia các sản phẩm được hưởng GSP thành 4 nhóm với mức thuế ưu đãi khác nhau dựa trên mức độ nhạy cảm đối với bên nhập khẩu, mức độ phát triển của nước xuất khẩu và các văn bản thỏa thuận được ký giữa 2 bên.
Bốn nhóm sản phẩm của các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU như sau:
- Nhóm 1: Sản phẩm rất nhạy cảm: bao gồm phần lớn là nông sản và một số ít sản phẩm công nghiệp tiêu dùng. Nhóm này khi nhập khẩu vào EU sẽ bị áp mức thuế GSP với thuế suất bằng 85% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU hạn chế nhập khẩu.
- Nhóm 2: Các sản phẩm nhạy cảm: chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, hóa chất, nguyên liệu, hàng thủ công. Nhóm này bị áp mức thuế GSP bằng với thuế suất bằng 70% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU không khuyến khích nhập khẩu
- Nhóm 3: Sản phẩm bán nhạy cảm: bao gồm phần lớn là thủy hải sản đông lạnh. Nhóm này được hưởng mức thuế GSP với thuế suất bằng 35% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU khuyến khích nhập khẩu.
- Nhóm 4: Sản phẩm không nhạy cảm: chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, nguyên liệu, nông sản… Nhóm này được hưởng mức thuế GSP với thuế suất bằng 0-10% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU đặc biệt khuyến khích nhập khẩu.
Qui định về thuế, phí nhập khẩu của Thuỵ Điển
Chính sách thuế của EU
Tra cứu thuế nhập khẩu
Thông tin về Chính sách nông nghiệp chung (CAP)
Danh mục kết hợp (CN)
Thuế VAT
Hiện nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) đánh trên giá bán hàng hoá và dịch vụ ở mức phổ biến là 25%. Thực phẩm (không bao gồm đồ uống có cồn và thuốc lá) được hưởng mức thuế VAT thấp hơn với thuế suất là 12%, sách, tạp chí được hưởng mức thuế 6%.
Thụy Điển cũng đánh VAT trên trị giá mua lại từ các đơn vị kinh doanh trong EU và đánh vào hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các nước ngoài EU. Thuế VAT được miễn cho các hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia ngoài EU.
Qui định về thuế VAT đối với hàng nhập khẩu
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số mặt hàng nhất định có liên quan đến hàng nhập khẩu từ các nước nằm ngoài EU. Đây là công cụ mà Thụy Điển sử dụng để điều tiết tiêu dùng các mặt hàng như năng lượng, rượu và thuốc lá.
Qui định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu ngoài EU
Một số loại thuế, phí khác
Thuế chống bán phá giá
Khi sản phẩm nhập khẩu gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến ngành sản xuất sản phẩm giống hệt hay tương tự ở Thụy Điển, thì ngành sản xuất bị tổn hại hay bị đe doạ gây tổn hại đó có thể gửi đơn kiện đến Brussels (Bỉ). Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng nếu kết quả điều tra cho thấy sản phẩm nhập khẩu đã được bán tại Thụy Điển với mức giá thấp hơn mức giá thông thường của sản phẩm đó bán tại nước xuất khẩu. Loại thuế này được đánh như một khoản phụ thu bên cạnh thuế hải quan thông thường.
Thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp)
Thuế đối kháng được áp dụng để chống lại tác động của việc nước xuất khẩu trợ cấp cho mặt hàng xuất sang Thụy Điển dẫn tới giá thành thấp hơn một cách giả tạo gây bất lợi cho Thụy Điển và các nền kinh tế thành viên EU.
Một số loại phí khác
Trong một số trường hợp, hải quan sẽ cân nhắc thu phí phụ thêm dựa trên hoá đơn của chuyến hàng. Phí này thường được thu nếu hải quan thấy cần thiết, dựa vào kích cỡ hàng và số lượng hoá đơn.
Phí kiểm tra hàng có thể được thu cho một số loại hàng hoá để tiến hành hoạt động kiểm tra hoặc xét nghiệm cần thiết khi hàng hoá lần đầu nhập khẩu vào Thuỵ Điển
Một số loại phí khác đôi khi cũng được áp dụng như phí hàng mẫu, phí quản lý chất lượng, phí bảo vệ thực vật.