Muốn bán hàng vào các siêu thị ở Thụy Điển, trước hết phải sản xuất được hàng thành phẩm có chất lượng cao, bao gói theo yêu cầu của các tập đoàn siêu thị; phải bảo đảm cung cấp hàng đều đặn và ổn định về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Người tiêu dùng Thụy Điển coi trọng chất lượng với giá cả cạnh tranh. Họ quen với các thương hiệu lớn truyền thống. Hàng thành phẩm chất lượng cao, số lượng lớn và ổn định thì nên bán qua các tập đoàn siêu thị; hàng có số lượng không lớn và đa dạng thì nên bán qua đại lý hoặc các công ty nhỏ và vừa; hàng ở dạng nguyên liệu thô thì nên bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến.
Để có thể kiểm tra những yêu cầu về hàng hóa có thể tham khảo website www.opentradegate.se của Thụy Điển nhằm giúp đỡ các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Thụy Điển là một thành viên của EU do đó hàng hóa muốn đạt tiêu chuẩn của Thụy Điển trước hết là phải đạt tiêu chuẩn của EU.
Nhìn chung, có thể nói rằng thị trường EU có nhu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, các quy định tập trung đến các nội dung sau:
Tiêu chuẩn hóa sản phẩm
Theo truyền thống, các tiêu chuẩn được sử dụng để mô tả chất lượng và tính năng của hàng hóa dịch vụ và chúng rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường toàn cầu. Hầu hết các tiêu chuẩn điều được xây dựng theo yêu cầu của nền công nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới công nghệ thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn hóa không chỉ quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe, an toàn còn trong lĩnh vực quản lý chất lượng, sản xuất mang tính môi trường trách nhiệm xã hội. Việc tiêu chuẩn hóa sẽ tạo ra các nhãn hiệu hàng hóa, các giấy chứng nhận nhằm chứng minh cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp áp dụng, tạo điều kiện tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.
Quản lý chất lượng sản phẩm
Đây là tiêu chuẩn quan trọng để quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tiêu chuẩn quản lý chất lượng liên quan đến phương thức quản lý. Tiêu chuẩn này khác với các tiêu chuẩn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa có liên quan đến sản phẩm hay quá trình sản xuất. Đăng ký tiêu chuẩn quản lý chất lượng là quá trình tự nguyện, tiêu chuẩn này sẽ giúp cho người tiêu dùng có cách nhìn nhận về doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là khi doanh nghiệp được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quản lý được quốc tế công nhận. Các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quan trọng nhất thuộc nhóm tiêu chuẩn ISO 9000. Các nhà sản xuất được cấp chứng chỉ ISO 9001 hay ISO 9002 thực sự đã sở hữu một tài sản quan trọng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một đặc điểm hỗ trợ bán hàng cơ bản trong kinh doanh ở thị trường EU vốn rất cạnh tranh, đặc điểm này cũng giúp tăng thêm lòng tin của khách hàng.
Về sức khỏe và an toàn thực phẩm
Đối với các sản phẩm công nghiệp chế tạo cần phải đạt nhãn CE là một nhãn bắt buộc đối với nhiều sản phẩm công nghiệp. Mục đích của nhãn CE là đặt ra yêu cầu chung đối các nhà sản xuất nhằm chỉ đưa ra những sản phẩm an toàn ở thị trường EU. Nhãn CE được xem là một giấy thông hành của nhà sản xuất lưu thông nhiều sản phẩm công nghiệp như máy móc thiết bị, các thiết bị điện có điện thế thấp, đồ chơi, các thiết bị an toàn cá nhân… Trên thị trường EU, nhãn CE chỉ ra rằng sản phẩm đáp ứng các nhu cầu về luật định và có thể được áp dụng về an toàn, sức khỏe, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với các sản phẩm thực phẩm thì tiêu chuẩn HACCP (the Hazard Analysis Critical Control Point system) được áp dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm, điều này sẽ xác định rằng các công ty thực phẩm xác định từng khía cạnh ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
Về môi trường
Nhiều quốc gia châu Âu thỏa thuận mang tính tình nguyện và mang tính pháp lý được thông qua giữa Chính phủ và các nhà sản xuất. Các thỏa thuận không chỉ áp dụng cho sản phẩm mà được áp dụng cho bao bì của sản phẩm. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ những quy định về môi trường để được xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu buộc phải xem xét ảnh hưởng môi trường của sản phẩm mình, của quá trình sản xuất và đóng gói. Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải hiểu rằng việc tuân thủ các quy định về sản phẩm là rất cần thiết, tuy nhiên việc đầu tiên là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là điều quan trọng trong thành công tại thị trường EU.
Bên cạnh, ngoài các tiêu chí quan trọng về chất lượng, vệ sinh, an toàn và môi trường đã đề cập ở trên, các vấn đề xã hội ngày càng có tầm quan trọng. Ngày nay có nhiều người dân châu Âu cho rằng các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với nhân viên của họ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Người tiêu dùng ngày càng coi trọng “đạo đức kinh doanh” như một tiêu chí để lựa chọn và đàm phán trong kinh doanh.