Thủ tục hải quan

Kể từ khi gia nhập EU năm 2004, chính sách hải quan của Latvia đã được điều chỉnh bởi luật pháp EU. Latvia chỉ qui định một số lĩnh vực cụ thể không thuộc điều chỉnh của EU.

Tất cả hàng hoá khi nhập khẩu vào Latvia đều phải làm các thủ tục hải quan. Các giấy tờ cần có khi làm thủ tục hải quan bao gồm:

Tờ khai giá trị hải quan:

Tờ khai giá trị hải quan phải được xuất trình cho cơ quan hải quan nếu giá trị của hàng hoá nhập khẩu vượt quá 20,000€. Tờ khai giá trị hải quan phải được lập theo mẫu DV1. Tờ khai này phải đi kèm với tài liệu hành chính đơn (SAD). Mục đích chính của yêu cầu này là để xác định giá trị hải quan (giá trị tính thuế).

Giá trị hải quan tương ứng với giá trị của hàng hoá bao gồm tất cả các chi phí phát sinh (ví dụ: giá hàng hoá, cước vận tải, phí bảo hiểm) cho đến điểm đến đầu tiên trong Liên minh châu Âu. Phương pháp thông thường để tính giá trị hải quan là sử dụng giá trị giao dịch.

Trong một số trường hợp giá trị giao dịch của hàng hoá nhập khẩu có thể bị điều chỉnh, trong đó có việc bổ sung hay khấu trừ.

Tài liệu hành chính đơn (SAD): 

Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Latvia phải được khai báo với cơ quan hải quan của Latvia bằng cách sử dụng tài liệu hành chính đơn (SAD), được qui định tại Luật Hải quan. Tờ khai phải được lập bằng một trong những ngôn ngữ chính thức của EU, được chấp nhận bởi cơ quan hải quan của Latvia là nơi các thủ tục được thực hiện. SAD có thể được nộp trực tiếp cho Cơ quan Hải quan hoặc nộp qua hệ thống EDI. SAD có thể được nộp bởi nhà nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền.

Hoá đơn thương mại:

Hóa đơn thương mại thể hiện những nội dung sau:

  • Tổng giá trị hóa đơn và tiền thanh toán: giá trị tương đương phải được thể hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi ra Euro hoặc hợp pháp khác tại Latvia;
  • Các điều khoản thanh toán (phương thức và thời điểm thanh toán, giảm giá…);
  • Các điều kiện giao hàng theo Incoterm thích hợp;
  • Phương tiện vận tải.
  • Hoá đơn thương mại phải được chuẩn bị bởi nhà xuất khẩu theo thông lệ kinh doanh tiêu chuẩn và phải được nộp bản gốc cùng với ít nhất một bản sao. Nói chung, không có qui định nào yêu cầu các hóa đơn phải có chữ  ký nhưng trong thực tế, cả hai bản gốc và bản sao hoá đơn thương mại thường được ký. Hoá đơn thương mại có thể được chuẩn bị bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, nên có một bản dịch hóa đơn thương mại sang tiếng Anh.

Tài liệu vận chuyển: 

Tùy thuộc vào phương tiện vận tải sử dụng, các tài liệu sau đây phải được điền đầy đủ và nộp cho cơ quan hải quan: Vận đơn (B/L), Vận đơn đường bộ (CMR), Vận đơn hàng không (AWB), Vận đơn đường sắt (CIM), ATA Carnet, TIR Carnet.

Phiếu đóng gói (P/L): 

  • Bảng kê hàng hóa thường bao gồm các thông tin:
  • Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và các công ty vận tải;
  • Ngày phát hành;
  • Số hóa đơn vận chuyển hàng hóa;
  • Loại bao bì;
  • Mô tả hàng hóa và số lượng các mặt hàng trong mỗi gói hàng;
  • Mã hiệu và số;
  • Trọng lượng tịnh, trọng lượng và đơn vị đo lường của các gói hàng.
  • Tuỳ từng loại hàng hoá sẽ cần phải có thêm các giấy tờ khác ví dụ chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, giấy phép nhập khẩu.

Cấm và hạn chế nhập khẩu

Latvia có chung qui định với EU về các hàng hoá cấm, hạn chế nhập khẩu. Hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Latvia cũng được áp dụng chung theo qui định của EU.

Ngoài ra, Latvia cũng hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng vì các lý do liên quan đến an ninh và bảo vệ môi trường.

Dưới đây là một số hàng hoá bị hạn chế nhập khẩu vào Latvia:

  • Vũ khí, đạn dược, ngoại trừ súng dùng để săn bắn;
  • Thiết bị quân sự;
  • Vật liệu gây nguy hại;
  • Nguyên liệu sản xuất vũ khí sinh học;
  • Sản phẩm nguyên tử;
  • Quặng uranium;
  • Sản phẩm tác động đến tâm thần;
  • Lông động vật hoang dã có nguồn gốc ở một quốc gia nơi các phương pháp bẫy/săn bắn không đáp ứng các tiêu chuẩn bẫy nhân đạo được quốc tế công nhận;
  • Động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và các sản phẩm của chúng được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES);
  • Các chất làm suy giảm tầng ozone;
  • Trứng, chim chóc và các loại tương tự;
  • Phôi, động vật, chim chóc;
  • Sản phẩm từ cá voi;
  • Và một số hàng hoá khác.

Giấy phép nhập khẩu

Một số hàng hoá khi nhập khẩu vào Latvia cần phải xin phép. Một số cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với các mặt hàng cụ thể:

Bộ Kinh tế là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép, và nhôm.

Latvijas Republikas Ekonomikas ministrija (Ministry of Economics of the Republic of Latvia)
Brīvības iela 55, 1519 Riga
(+371) 6 701 3100
[email protected]

Bộ Nông nghiệp là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phân bón

Latvijas Republikas Zemkopības ministrija (Ministry of Agriculture of the Republic of Latvia)
Republikas laukums 2, 1981 Riga
(+371) 6 709 5000
[email protected]

Uỷ ban Bảo vệ Thiên nhiên là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Dabas aizsardzības pārvalde (Nature Protection Board)
Baznicas iela 7, 2150 Sigulda
(+371) 6750 9545
[email protected]

Trung tâm Môi trường, Địa chất, và Khí tượng là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các hoá chất nguy hiểm.

Latvijas Vides, ģeoloģijas un meteoroloģijas centrs – LVĢMC (Latvian Environment, Geology and Meteorology Centre)
Maskavas iela 165, 1019 Riga
(+371) 67 032 028 / 67 032 600
[email protected]

Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất tẩy rửa.

Veselības ministrija (Ministry of Health)
Klijanu iela 7, 1012 Riga
(+371) 6 708 1600
[email protected]

Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất ô nhiễm hữu cơ.

Vides aizsardzības un reģionālās attīstības ministrija (Ministry of Environmental Protection and Regional Development )
Peldu iela 25, 215, 1494 Riga
(+371) 6702 6514 / 660 167 40
[email protected]

Cơ quan Dịch vụ Môi trường Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất thải.

Valsts vides dienests (State Environmental Service)
Rūpniecības iela 23, 1045 Riga
(+371) 6708 4200
[email protected]

Hàng tạm nhập

Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và VAT nếu được chấp nhận nhập cảnh tạm thời không quá 24 tháng trong khu vực hải quan và sau đó tái xuất.

ATA Carnet thường được sử dụng để nhập khẩu hàng hoá quá cảnh và tạm nhập cho các mục đích cụ thể như thiết bị chuyên ngành, hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm trong vòng 12 tháng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia là cơ quan cấp ATA Carnet.