Kiểm dịch động vật
Động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật để được nhập vào Latvia phải trải qua các giai đoạn kiểm tra và kiểm dịch hết sức nghiêm ngặt.
Là thành viên của EU, Latvia tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU. Các yêu cầu cơ bản nhất bao gồm:
- Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU;
- Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt;
- Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
- Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU và phải được thông báo trên hệ thống TRACES trước ít nhất 24 giờ trước khi hàng đến;
- Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khoẻ cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.
Danh sách các động vật và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật chịu sự kiểm soát khi nhập khẩu vào EU, được qui định tại chỉ thị 91/496/EEC and 97/78/EC.
Việc kiểm soát nhập khẩu vào Latvia được tiến hành tại 14 trạm kiểm soát biên giới ở biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu và tại 7 kho hải quan đã được Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y của Latvia công nhận.
Cục Kiểm soát Biên giới sẽ thực hiện kiểm tra các tài liệu và nhận dạng hàng hoá đối với 100% lô hàng là động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật khi nhập khẩu vào Latvia và kiểm tra thực tế khoảng 20-50% lô hàng. Với việc kiểm tra thực tế, các mẫu sản phẩm được thu thập và gửi đi xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm được công nhận.
Nếu hàng hóa không phù hợp với các yêu cầu của Latvia và EU, hàng hoá sẽ phải tái xuất hoặc bị tiêu huỷ.
Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp có thẩm quyền về kiểm dịch động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật của Latvia.
Pārtikas un veterinārais dienests – PVD (Food and Veterinary Service)
Peldu iela 30, 1050 Riga
(+371) 6709 5230
[email protected]
Kiểm dịch thực vật
Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cây, cây cảnh, hoa, hạt giống, trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Latvia phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.
Các yêu cầu chung:
- Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
- Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU;
- Hàng hoá phải được thông báo trên hệ thống TRACES ít nhất 24 giờ trước khi hàng đến;
- Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU;
- Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
Cơ quan Dịch vụ Bảo vệ Thực Vật Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào Latvia.
Valsts augu aizsardzības dienests (State Plant Protection Service)
Lielvardes iela 36/38, 1006 Riga
(+371) 6702 7098 / 6702 7406
[email protected]
An toàn thực phẩm
Vì thực phẩm là vấn đề rất quan trọng ở châu Âu nên được chi phối bởi nhiều qui định nhằm bảo vệ, ở mức độ cao, sinh mạng và sức khỏe con người, và đúng mức đối với sự an toàn và sức khỏe động vật, thực vật và môi trường. Cách tiếp cận tổng hợp “từ trang trại đến bàn-ăn” được xem là nguyên tắc chung cho chính sách an toàn thực phẩm của EU.
Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú y thực hiện kiểm soát việc tuân thủ an toàn, chất lượng, phân loại và các yêu cầu cụ thể khác đối với các nhóm sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm bị kiểm soát, bao gồm:
- Phụ gia thực phẩm;
- Hương liệu thực phẩm;
- Vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm;
- Thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
- Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc và thức ăn trẻ em;
- Thực phẩm cho các mục đích y tế đặc biệt;
- Thực phẩm ăn kiêng thay thế toàn bộ để kiểm soát cân nặng;
- Đường và muối;
- Chiếu xạ thực phẩm;
- Đồ uống có cồn và không cồn;
- Nước uống và nước khoáng;
- Thực phẩm chức năng;
- Thực phẩm ăn kiêng;
- Thực phẩm mới;
- Thực phẩm biến đổi gen;
- Thực phẩm hữu cơ.
Ngoài những qui định chung của EU, Latvia còn đặt ra một số tiêu chuẩn bổ sung.
Về thủy hải sản: Latvia không nhập những sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu bị nhiễm độc do tác động của môi trường hoặc do chất phụ gia không được phép sử dụng. Đối với sản phẩm thủy hải sản đã qua chế biến, đóng gói phải ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và cách sử dụng, mã số và mã vạch. Người tiêu dùng tẩy chay các loại thủy hải sản nhập khẩu có chứa chất khuẩn Salmonella, độc tố Lustamine, nhiễm V.Parahaemoliticus, nhiễm V.Cholerae.
Các thực phẩm ướp lạnh cần phải chú ý đến một số quy định phi luật định như: Nguyên vật liệu được sử dụng sản xuất thực phẩm ăn nhanh đông lạnh phải có chất lượng, tốt nhất nên có giấy chứng nhận về độ tươi của nguyên liệu, về quy trình sản xuất, thời gian chuẩn bị và ướp lạnh sản phẩm phải được tiến hành nhanh chóng với những thiết bị thích hợp, nhằm mục đích ngăn chặn quá trình biến đổi sinh hóa,vi trùng ở mức thấp nhất, nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm ướp lạnh nhanh phải luôn ổn định trong mọi thời điểm ở mức -18oC hoặc thấp hơn. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ có thể dao động nhưng không được vượt quá 3oC.
Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp có thẩm quyền về kiểm soát an toàn thực phẩm của Latvia.
Pārtikas un veterinārais dienests – PVD (Food and Veterinary Service)
Peldu iela 30, 1050 Riga
(+371) 6709 5230
[email protected]