Thuế nhập khẩu

Việt Nam và EU đều áp dụng một biểu thuế nhập khẩu chung cho hàng hóa có xuất xứ của bên còn lại khi nhập khẩu vào lãnh thổ của nhau. Về cơ bản, cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA được chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: là nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% (từ mức thuế cơ sở) sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Theo Hiệp định EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa và 10 năm. Cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm, Việt Nam đạt được lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm.
  • Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ được xóa bỏ hoặc cắt giảm đối với một khối lượng hàng hóa nhất định (lượng hàng hóa trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.
  • Nhóm hàng hóa không cam kết: Đây là nhóm hàng không cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế nhập khẩu sẽ theo quy định trong nước của mỗi bên. 

Cam kết thuế nhập khẩu của EU

Theo cam kết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Tiếp đó sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta.

Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta ở thời điểm hiện tại.

Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU.

Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO.

Cam kết cụ thể đối với một số mặt hàng EU quan tâm:

  • Nhóm mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy: thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm với ô tô phân khối lớn, 10 năm với các loại ô tô khác, 7 năm với phụ tùng ô tô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3.
  • Nhóm mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia: thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia.
  • Nhóm mặt hàng thịt lợn, thịt gà: thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà thì lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm.

Thuế xuất khẩu

Về nguyên tắc, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.

Trong EVFTA, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 526 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc). Đối với các dòng thuế có mức thuế xuất khẩu hiện hành tương đối cao, Việt Nam cam kết mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.

Hàng tân trang

Theo Hiệp định EVFTA, hàng tân trang là hàng hóa được phân loại tại Chương 84, 85, 87, 90 và 9402, ngoại trừ hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 2-A-5 của Hiệp định (Danh mục loại trừ đối với hàng tân trang), theo đó hàng tân trang:

  • Được cấu tạo hoàn toàn hoặc một phần từ các bộ phận của sản phẩm đã được sử dụng trước đó;
  • Có tính năng hoạt động và các điều kiện làm việc cũng như tuổi thọ tương tự như sản phẩm mới nguyên bản, và được bảo hành như hàng mới.

Hai bên cam kết sẽ đối xử với hàng tân trang như đối với hàng mới tương tự. Điều này có nghĩa là Việt Nam cho phép nhập khẩu hàng tân trang có xuất xứ EU với mức thuế nhập khẩu, các loại thuế và phí khác tương tự như hàng mới cùng loại. Cam kết này không ngăn cản một bên quyền được yêu cầu dán nhãn đối với hàng tân trang nhằm tránh gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việt Nam có thời gian chuyển đổi là 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để thực thi nghĩa vụ này.