Cam kết về Thuế

Thuế nhập khẩu

Việt Nam và EU đều áp dụng một biểu thuế nhập khẩu chung cho hàng hóa có xuất xứ của bên còn lại khi nhập khẩu vào lãnh thổ của nhau. Về cơ bản, cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA được chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: là nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% (từ mức thuế cơ sở) sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Theo Hiệp định EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa và 10 năm. Cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm, Việt Nam đạt được lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm.
  • Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ được xóa bỏ hoặc cắt giảm đối với một khối lượng hàng hóa nhất định (lượng hàng hóa trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.
  • Nhóm hàng hóa không cam kết: Đây là nhóm hàng không cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế nhập khẩu sẽ theo quy định trong nước của mỗi bên.

Cam kết thuế nhập khẩu của EU

Theo cam kết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Tiếp đó sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta.

Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta ở thời điểm hiện tại.

Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU.

Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO.

Cam kết cụ thể đối với một số mặt hàng EU quan tâm:

  • Nhóm mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy: thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm với ô tô phân khối lớn, 10 năm với các loại ô tô khác, 7 năm với phụ tùng ô tô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3.
  • Nhóm mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia: thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia.
  • Nhóm mặt hàng thịt lợn, thịt gà: thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà thì lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm.

Thuế xuất khẩu

Về nguyên tắc, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.

Trong EVFTA, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 526 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc). Đối với các dòng thuế có mức thuế xuất khẩu hiện hành tương đối cao, Việt Nam cam kết mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.

Hàng tân trang

Theo Hiệp định EVFTA, hàng tân trang là hàng hóa được phân loại tại Chương 84, 85, 87, 90 và 9402, ngoại trừ hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 2-A-5 của Hiệp định (Danh mục loại trừ đối với hàng tân trang), theo đó hàng tân trang:

Được cấu tạo hoàn toàn hoặc một phần từ các bộ phận của sản phẩm đã được sử dụng trước đó;

Có tính năng hoạt động và các điều kiện làm việc cũng như tuổi thọ tương tự như sản phẩm mới nguyên bản, và được bảo hành như hàng mới.

Hai bên cam kết sẽ đối xử với hàng tân trang như đối với hàng mới tương tự. Điều này có nghĩa là Việt Nam cho phép nhập khẩu hàng tân trang có xuất xứ EU với mức thuế nhập khẩu, các loại thuế và phí khác tương tự như hàng mới cùng loại. Cam kết này không ngăn cản một bên quyền được yêu cầu dán nhãn đối với hàng tân trang nhằm tránh gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việt Nam có thời gian chuyển đổi là 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để thực thi nghĩa vụ này.

Cam kết về Hạn ngạch thuế quan

Bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU cũng áp dụng hạn ngạch thuế thuế quan (HNTQ) đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ Bên kia. Nội dung cam kết này được quy định tại Phần B – Hạn ngạch thuế quan, Phụ lục 2-A của Hiệp định EVFTA, bao gồm các nguyên tắc chính, cam kết cụ thể theo từng mặt hàng kèm theo các quy định, yêu cầu tương ứng để được cấp HNTQ.

Cam kết HNTQ của EU

Cơ chế quản lý và phân bổ HNTQ

EU sẽ quản lý HNTQ theo luật của EU, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại giữa các Bên theo hướng tận dụng tối đa lượng HNTQ.

Danh mục mặt hàng được hưởng HNTQ và các cam kết cụ thể

Mặt hàng Mã HS

(Biểu thuế của EU)

Lượng HNTQ Lưu ý
Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm 0408.11.80; 0408.19.81

0408.19.89; 0408.91.80

0408.99.80

500 tấn
Tỏi 0703.20.00 400 tấn
Ngô ngọt 0710.40.00A; 2001.90.30A;

2005.80.00A

5,000 tấn Lượng TRQ không bao gồm tổng lượng hàng hóa có xuất xứ được phân loại theo dòng thuế 0710.40.00B, 2001.90.30B và 2005.80.00B
Gạo Gạo đã xát:

1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

20,000 tấn
Gạo đã xay:

1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.98

1006.30.67; 1006.30.92

1006.30.94; 1006.30.96

30,000 tấn
Gạo đã xay:

1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.67

1006.30.92; 1006.30.94

1006.30.96; 1006.30.98

30,000 tấn Gạo phải thuộc một trong số các loại gạo thơm sau:

(a)  Hoa nhài 85,

(b)  ST 5, ST 20,

(c)   Nàng Hoa 9,

(d)  VD 20,

(e)   RVT,

(f)   OM 4900,

(g)  OM 5451, và

(h)  Tài Nguyên Chợ Đào.

Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các loại gạo được nêu trên.

Tinh bột sắn 1108.14.00 30,000 tấn
Cá ngừ 1604.14.11; 1604.14.18

1604.14.90; 1604.19.39

1604.20.70

11,500 tấn
Surimi 1604.20.05 500 tấn
Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao Đường thô:

1701.13.10; 1701.13.90

1701.14.10; 1701.91.00

1701.99.10; 1701.99.90

1702.30.50; 1702.90.50

1702.90.71; 1702.90.75

1702.90.79; 1702.90.95

1806.10.30; 1806.10.90

20,000 tấn
Đường đặc biệt 1701.14.90 400 tấn
Nấm 0711.51.00; 2001.90.50

2003.10.20; 2003.10.30

350 tấn
Ethanol 2207.10.00; 2207.20.00 1000 tấn
Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác 2905.43.00; 2905.44.11

2905.44.19; 2905.44.91

3505.10.10; 3505.10.90

3824.60.19

2000 tấn

Các mặt hàng có xuất xứ được nhập khẩu vào EU nằm trong lượng hạn ngạch nêu trên sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Đối với lượng ngoài hạn ngạch nêu trên, thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng theo các mức trong biểu cam kết của EU quy định tại Tiểu Phụ lục 2A1 của Hiệp định EVFTA.

Cam kết HNTQ của Việt Nam

Việt Nam vẫn duy trì việc áp dụng HNTQ theo cam kết WTO đối với lượng hạn ngạch, phương thức quản lý và các điều khoản và điều kiện khác liên quan đến việc phân bổ HNTQ. Thuế suất trong hạn ngạch đối với các mặt hàng được nhập khẩu từ EU sẽ được xóa bỏ dần đều trong 11 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cam kết về Quy tắc Xuất xứ

Hiệp định EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (ii) hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể; và (iii) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép Việt Nam và các nước thuộc EU được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước thành viên khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ EVFTA.

Ngoài ra, hai bên đã thống nhất một số nội dung mới như sau:

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

Bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng.

Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU

Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ.

Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện (Approved exporters) mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Hiện nay, EU đang xây dựng hệ thống nhà xuất khẩu đăng ký (Registered exporters) – là hệ thống cho phép nhà xuất khẩu chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền là có thể tự chứng nhận xuất xứ. Khi hệ thống này hoàn thiện và được áp dụng, EU sẽ thông báo cho Việt Nam trước khi thực hiện.

Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam chưa chính thức triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Trong thời gian tới, khi có thể chính thức áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ ban hành quy định liên quan trong nước và thông báo cho EU trước khi thực hiện.

Dự kiến, nhà xuất khẩu sẽ tự chứng nhận xuất xứ trên một hoá đơn, phiếu giao hàng hoặc bất kỳ chứng từ thương mại nào mô tả sản phẩm liên quan với đủ thông tin để xác định được sản phẩm đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ không phải thể hiện tiêu chí xuất xứ và mã HS hàng hóa nhưng phải có chữ ký của nhà xuất khẩu. Trong trường hợp nhà xuất khẩu đủ điều kiện có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu về việc chịu hoàn toàn trách nhiệm với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do họ phát hành thì không phải ký tên trên chứng từ đó.

Bên cạnh đó, việc tự chứng nhận xuất xứ có thể được thực hiện sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ đó phải được xuất trình tại Bên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc khoảng thời gian được quy định trong luật pháp của Bên nhập khẩu, tính từ khi hàng hoá được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó.

Thông tin thể hiện trên Giấy chứng nhận xuất xứ

Việt Nam và EU nhất trí sử dụng mẫu C/O EUR 1 là mẫu chung trong Hiệp định EVFTA. Mẫu EUR 1 yêu cầu thông tin khai báo đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã ký kết.

Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, hai bên thống nhất không yêu cầu thể hiện tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa trên C/O.

Quá cảnh và chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba

Hai bên đồng ý cho phép sản phẩm được quá cảnh và chia nhỏ tại nước thứ ba ngoài Hiệp định. Cụ thể:

  • Sản phẩm đó không được thay đổi hoặc tham gia vào bất kỳ công đoạn gia công nào làm thay đổi sản phẩm, ngoại trừ các công đoạn bảo quản sản phẩm hoặc dán nhãn, nhãn hiệu, dấu niêm phong hoặc thêm các chứng từ khác để đảm bảo việc tuân thủ với các quy định cụ thể của Bên nhập khẩu. Các công đoạn này cần được thực hiện dưới sự giám sát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ hàng hoá trước khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa.
  • Sản phẩm hoặc lô hàng có thể được lưu kho với điều kiện sản phẩm hoặc lô hàng đó vẫn nằm trong sự giám sát của hải quan nước quá cảnh.

Trong trường hợp có nghi ngờ, cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể yêu cầu nhà nhập khẩu xuất trình các chứng từ chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước thứ ba và không bị thay đổi xuất xứ, cụ thể là:

  • Chứng từ vận tải như vận đơn;
  • Chứng từ về việc đánh dấu, đánh số hàng hóa;
  • Chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng;
  • Chứng từ chứng minh hàng hóa như hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán;
  • Chứng nhận của hải quan nước thứ ba về việc hàng hóa không bị thay đổi hoặc chứng từ khác chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ lô hàng.

Điều khoản về Quản lý lỗi hành chính

Điều khoản Quản lý lỗi hành chính quy định về cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU như một biện pháp chống gian lận thương mại. Theo đó, các Bên sẽ hỗ trợ nhau, thông qua cơ quan có thẩm quyền của mình, trong việc kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận xuất xứ hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và mức độ chính xác của thông tin được kê khai trên những chứng từ đó.

Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR)

Quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc xác định xuất xứ đối với từng mặt hàng (ở cấp độ mã HS 8 số). Danh mục PSR được Việt Nam và EU xây dựng dựa trên các tiêu chí chủ yếu là:

  • Giới hạn tỷ lệ nguyên vật liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất, gia công;
  • Tiêu chí chuyển đổi nhóm (cấp độ 4 số) và phân nhóm (cấp độ 6 số) mã số HS của sản phẩm cuối cùng so với mã số HS của nguyên vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất;
  • Công đoạn gia công cụ thể;
  • Công đoạn gia công, chế biến thực hiện trên nguyên liệu có xuất xứ thuần túy.

Cam kết về Dịch vụ và Đầu tư

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên.

Cam kết trong một số ngành dịch vụ chính

Trong các ngành dịch vụ, cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, cụ thể như sau:

Dịch vụ ngân hàng

Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 05 năm (hết thời hạn 05 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.

Dịch vụ bảo hiểm

Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật trong nước. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.

Dịch vụ viễn thông

Việt Nam cam kết mức tương đương như trong Hiệp định CPTPP. Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.

Dịch vụ vận tải

Đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ vận chuyển công-ten-nơ rỗng, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cho phép các hãng tàu EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn-Cái Mép, sau 05 năm Việt Nam sẽ cho phép thực hiện dịch vụ vận chuyển công-ten-nơ rỗng trên tất cả các tuyến. Với dịch vụ nạo vét, Việt Nam cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý sau 05 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. 03 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.

Dịch vụ phân phối

Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên Việt Nam bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Việt Nam cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ.

Các nghĩa vụ chung về thương mại dịch vụ và đầu tư

Tiếp cận thị trường

Đối với những ngành, phân ngành liệt kê Trong Biểu cam kết cụ thể, trừ trường hợp có bảo lưu được ghi rõ trong Biểu cam kết, hai bên cam kết không áp dụng các hạn chế liên quan đến: (i) số lượng doanh nghiệp được phép tham gia thị trường, (ii) giá trị giao dịch, (iii) số lượng hoạt động, (iv) vốn góp của nước ngoài, (v) hình thức của pháp nhân, (vi) số lượng thể nhân được tuyển dụng.

Đối xử quốc gia

Đối với những ngành/phân ngành được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết dành cho dịch vụ nhà cung cấp dịch và nhà đầu tư của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư tương tự của mình, trừ trường hợp có quy định khác ở trong Biểu cam kết. Đối với các doanh nghiệp của nhà đầu tư của một Bên đã hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia, hai Bên cam kết đối xử như doanh nghiệp của nhà đầu tư nước mình, trừ những ngoại lệ đã nêu trong Biểu cam kết và một số ngoại lệ cụ thể khác.

Đối xử tối huệ quốc

Hai bên cam kết dành cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của nhau đã được cấp phép sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của một bên thứ ba. Các lĩnh vực thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và giải trí, vận tải hàng không và thương quyền hàng không, thủy sản và nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và săn bắn, khai thác mỏ và dầu khí không phải áp dụng các nghĩa vụ này.

Các yêu cầu hoạt động

Đối với những ngành/phân ngành liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết không áp dụng các yêu cầu hoạt động như: quy định tỷ lệ hoặc mức xuất khẩu nhất định đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, quy định tỷ lệ hoặc mức nội địa hóa nhất định, ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với khoản đầu tư…

Cam kết về Mua sắm của Chính phủ

Kết cấu của Chương Mua sắm của Chính phủ

Cam kết trong lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ mà Việt Nam và EU thống nhất nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của mua sắm công, đảm bảo chi tiêu hiệu quả ngân sách Nhà nước. Theo đó, Chương Mua sắm của Chính phủ trong Hiệp định EVFTA gồm 2 phần chính:

  • Các quy định chung về quy tắc, thủ tục áp dụng trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
  • Cam kết mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ của Việt Nam và EU: bao gồm 2 Phụ lục là cam kết của Việt Nam mở cửa cho nhà thầu EU và 01 Phụ lục là cam kết của EU mở cửa cho nhà thầu Việt Nam.

Các nội dung chính trong Chương Mua sắm của Chính phủ

Nguyên tắc chung cho tất cả các gói thầu thuộc phạm vi EVFTA

  • Minh bạch: Nhà nước phải ban hành và thực thi các quy tắc minh bạch trong các bước của quy trình đấu thầu. Đây là nhóm mà Việt Nam có khá nhiều các bảo lưu về lộ trình thực hiện (được nêu cụ thể trong Phụ lục 9A của Hiệp định). Ví dụ, Việt Nam được bảo lưu việc thực hiện nghĩa vụ đăng tải thông báo mời thầu miễn phí qua phương thức điện tử tại một đầu mối duy nhất trong vòng 10 năm;
  • Nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử;
  • Sử dụng đấu thầu rộng rãi: cam kết sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi với tất cả các gói thầu thuộc diện điều chỉnh trừ trường hợp đáp ứng điều kiện để được áp dụng thủ tục đấu thầu hạn chế hoặc đấu thầu lựa chọn;
  • Chống gian lận: Phải có các biện pháp liên chính và giải quyết khiếu nại để xử lý tình trạng tham nhũng, gian lận trong đấu thầu công…
  • Đấu thầu điện tử: Việt Nam và EU thống nhất sẽ tạo điều kiện để tổ chức đấu thầu thông qua phương tiện điện tử, gồm công bố thông tin gói thầu, đăng tải các thông báo và hồ sơ mời thầu, tiếp nhận hồ sơ dự thầu và sử dụng đấu thầu điện tử nếu phù hợp

Nhóm các nguyên tắc đối với thủ tục đấu thầu rộng rãi

  • Công khai thông tin về việc đấu thầu trên mạng/trên báo và miễn phí;
  • Công bố sớm kế hoạch mời thầu hàng năm;
  • Phải đảm bảo các thời hạn nộp hồ sơ thầu (tối thiểu 40 ngày trong các trường hợp thông thường, tối thiểu là 25 ngày chỉ trong trường hợp thủ tục đấu thầu thực hiện hoàn toàn qua mạng và 10 ngày đối với một số rất hãn hữu các trường hợp).

Nhóm các nguyên tắc đối với thủ tục đấu thầu lựa chọn

  • Thủ tục thầu không tạo ra rào cản bất hợp lý cho sự tham gia của các nhà thầu đáp ứng điều kiện;
  • Thông báo mời thầu phải được đưa ra đủ sớm để nhà thầu có thể chuẩn bị hợp lý;
  • Chỉ có thể sử dụng Danh sách nhà thầu đã đăng ký (cho các gói thầu nói chung) nếu đã tạo cơ hội hợp lý để các nhà thầu đều có tham gia Danh sách này và đã thông báo rõ ràng về các nội dung cơ bản của gói thầu….

Các gói thầu mua sắm công Việt Nam cam kết mở cửa cho nhà thầu EU

Theo EVFTA, Việt Nam cam kết cho phép nhà thầu EU được tham gia các gói thầu đáp ứng được đồng thời 03 điều kiện nêu trong Phụ lục 9C: Giá trị gói thầu; Cơ quan mua sắm; Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp ngoại lệ mà các gói thầu không phải tuân thủ các quy định của Chương. Có thể chia làm các nhóm:

  • Các ngoại lệ liên quan đến loại hoạt động;
  • Các ngoại lệ liên quan đến loại hàng hóa;
  • Các ngoại lệ liên quan đến dịch vụ;
  • Các ngoại lệ đối với dịch vụ xây dựng;
  • Ngoại lệ liên quan đến Biện pháp ưu đãi trong nước;
  • Các ngoại lệ khác.

Các gói thầu mua sắm công mà EU cam kết mở cửa cho Việt Nam

Các điều kiện về gói thầu mua sắm công mà EU cam kết mở cửa cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam được nêu trong Phụ lục 9B, Chương 9 của Hiệp định EVFTA cũng bao gồm 03 nhóm điều kiện đồng thời (về cơ quan mua sắm, về loại hàng hóa/dịch vụ mua sắm và về ngưỡng giá trị).

Ngoài ra, EU cũng bảo lưu một số trường hợp ngoại lệ dù đã đáp ứng đủ các điều kiện về gói thầu mua sắm như nêu trên nhưng vẫn được miễn trừ khỏi phạm vi áp dụng của các cam kết trong EVFTA liên quan tới mua sắm công. Ví dụ như: Gói thầu mua sắm nông sản trong chương trình thúc đẩy hỗ trợ nông nghiệp hoặc cung cấp/viện trợ lương thực cho người dân; Gói thầu mua sắm, phát triển, sản xuất tư liệu cho chương trình truyền hình và hợp đồng phát sóng…

Cam kết về Sở hữu Trí tuệ

Cam kết về sở hữu trí tuệ của Hiệp định EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v.. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Quyền tác giả và quyền liên quan

Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về Biểu diễn và Bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hiệp định EVFTA quy định thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất 50 năm và bảo hộ độc quyền của người biểu diễn trong sao chép, phân phối, công bố, phát sóng đến công chúng cuộc biểu diễn đã định hình.

Nhãn hiệu

Hai Bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc thiết lập một cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, đồng thời cho phép thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng thực tế trong vòng ít nhất 5 năm.

Kiểu dáng công nghiệp

Việt Nam cam kết gia nhập Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (1990) trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và sẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm.

Thực thi

Hiệp định có quy định về kiểm soát tại biên giới nếu phát hiện hàng xuất khẩu có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chỉ dẫn địa lý (GI)

Do các Thành viên EU có truyền thống sản xuất hàng loạt nông sản, thực phẩm có chất lượng đặc trưng theo vùng như rượu vang Bordeaux, pho-mát Mozzarella, giăm bông Parma, v.v..nên EU có chế độ bảo hộ cao đối với GI và rất chú trọng nội dung trong đàm phán các FTA. Việt Nam cũng đã có quy định pháp luật về bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý và đã có một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất nông sản, thực phẩm của một số địa phương.

Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) (chủ yếu là rượu và thực phẩm). EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột v.v.. tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN)

Khác với việc coi các ưu đãi trong thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ các FTA là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc MFN (các thành viên trong một FTA có thể dành cho nhau ưu đãi trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ mà không bị coi là vi phạm nguyên tắc MFN của WTO), theo Hiệp định TRIPS của WTO, liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, nếu một thành viên WTO dành bất kỳ lợi thế, ưu đãi, ưu tiên, miễn trừ nào cho chủ thể mang quốc tịch của một nước thành viên WTO khác thì cũng phải dành đối xử đó cho các chủ thể mang quốc tịch của tất cả các nước thành viên WTO. Như vậy, các cam kết mức độ cao về sở hữu trí tuệ (đối với các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định TRIPS) theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng cho tất cả các thành viên WTO và ngược lại.

Cam kết về Thương mại và Phát triển bền vững

Chương Thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA gồm 17 Điều với các nội dung chính gồm: Đa dạng sinh học, Biến đổi khí hậu, Quản lí tài nguyên rừng và thương mại lâm sản, Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, Lao động và Minh bạch hóa. Cụ thể như sau:

Đa dạng sinh học

Các Bên thừa nhận chủ quyền tài nguyên của các quốc gia và quyền quyết định việc được phép tiếp cận nguồn gen là của Chính phủ mỗi Bên và tùy thuộc vào pháp luật trong nước. Các Bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn gen phải có sự đồng ý được thông báo trước của Bên cung cấp, trừ khi Bên đó quy định khác.

Ngoài ra, hai Bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về các chiến lược, sáng kiến, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động và chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nhằm ngăn chặn sự biến mất đa dạng sinh học và giảm áp lực về đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu

Các Bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm: (i) xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon, (ii) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, (iii) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

Quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản

Tăng cường thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững, trao đổi thông tin về các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.

Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản

Cam kết tuân thủ các Công ước quốc tế về Luật Biển, các hiệp định về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Trong đó, hai Bên nhấn mạnh tích cực tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Lao động

Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.

Minh bạch hóa

Các Bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm: quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển; và đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.

Cam kết trong Hiệp định IPA

Về bảo hộ đầu tư

Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v…

Về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải.

Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiệp định này. Theo đó, Việt Nam và EU thống nhất thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực gồm hai cấp là sơ thẩm (với 09 thành viên) và phúc thẩm (với 06 thành viên). Thành viên của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư này do Ủy ban Thương mại EVFTA chỉ định, hoạt động theo nhiệm kỳ thông thường là 04 năm và có thể được chỉ định thêm 01 nhiệm kỳ, được hưởng phí duy trì do các Bên của Hiệp định chi trả.

Phán quyết của cơ quan phúc thẩm và phán quyết của Tòa trọng tài sơ phẩm nếu không bị kháng cáo trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành được coi là phán quyết cuối cùng, các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo nữa. Hai bên sẽ công nhận phán quyết cuối cùng có giá trị trương đương như phán quyết của Tòa án nước mình. Đối với Việt Nam, quy định này sẽ có hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong thời gian dài hơn do Ủy ban Thương mại thống nhất. Việc thi hành phán quyết được thực hiện theo pháp luật của quốc gia nơi phán quyết được thi hành.

Hai bên thống nhất nếu cùng tham gia vào một Hiệp định thành lập cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương về đầu tư hoặc cơ chế phúc thẩm đa phương về đầu tư thì có thể chấm dứt việc thực hiện hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư song phương theo Hiệp định này.