Ngày 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ” được tổ chức bởi Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Thuỵ Điển, bà Ann Måwe cho biết: “Thật vui mừng vì chúng ta có thể tổ chức sự kiện lần này, một điều mà các quốc gia khác trên thế giới sẽ khó có thể thực hiện trong thời điểm hiện tại”.
Theo đó, bà Ann Måwe đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam cũng đã làm tốt trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế đất nước.
Bà Ann Måwe nhận định, những nỗ lực này đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Đồng thời, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng đã giúp củng cố niềm tin rằng Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới “con đường” gia nhập sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu mới trong giai đoạn hậu Covid-19.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành địa điểm sản xuất thay thế hàng đầu. Tuy nhiên, theo bà Ann Måwe, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Cụ thể đó là tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chỉ tăng giá trị thương mại một cách đơn thuần.
Do vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, bà Ann Måwe nhấn mạnh, điều cốt yếu đối với Việt Nam đó là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng bền vững, đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất và tự động hoá. Để duy trì tính cạnh tranh này, Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng và công nghệ mới nhất trong sản xuất.
Theo đó, Thụy Điển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thời công nghiệp 4.0. Bà cũng khẳng định Thụy Điển mong muốn giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội mà EVFTA mang lại, giải quyết các thách thức liên quan đến tài chính.
“Các sản phẩm của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu – kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1969. Các chương trình viện trợ của Thụy Điển cũng được giới thiệu với các thiết bị và sản phẩm của Thụy Điển. Một số cái tên quen thuộc như Volvo, ABB, Atlas Copco, Electrolux…”, bà Ann Måwe chia sẻ.
Theo bà Đại sứ, Thụy Điển được coi là một trong những quốc gia bền vững và đổi mới nhất trên thế giới, đứng thứ hai trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu. Các doanh nghiệp Thụy Điển có lịch sử lâu đời trong việc cung cấp các giải pháp cho các ứng dụng sản xuất và công nghiệp. Điển hình như hiện nay, ở Việt Nam có thể kể đến Ericsson – doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp 4.0.
Một ví dụ điển hình khác là ABB, công ty trước đó đã cung cấp 1.200 robot cho VinFast. Thêm vào đó, đến năm 2021, hai công ty sẽ thành lập cơ sở sản xuất thông minh tại Việt Nam. Ngoài ra, Atlas Copco và Hexagon cũng là những tập đoàn có đóng góp lớn vào sự phát triển của một số dự án tại Việt Nam. Các doanh nghiệp kể trên đã trở thành một phần trong công cuộc phục hồi xanh của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19.
Theo đó, bà Ann Mawe nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam, đồng thời nêu bật tiềm năng tích cực của các sản phẩm, giải pháp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) của Thụy Điển, đặc biệt đối với Việt Nam.
Cuối cùng, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đã đóng góp vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, từ đó có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên.