Ngày 5/5 tại Hà Nội, Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy-Enquinor chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội, đánh dấu một mốc quan trọng trong danh mục hợp tác kinh doanh Na Uy – Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã chia sẻ về ý nghĩa sự hiện diện văn phòng đại diện Enquinor tại Việt Nam cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.
Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Na Uy-Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Hiện tại đã có một số công ty của Na Uy đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam trong đó có năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Nhưng với tôi, việc Equinor mở văn phòng đại diện tại Việt Nam lần này là một thành tựu lớn vì đây là công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cam kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Điều này cũng gửi đi một thông điệp tích cực tới các doanh nghiệp Na Uy khác về tiềm năng của Việt Nam.
Liệu Na Uy có bài học hữu ích nào về phát triển điện gió ngoài khơi mà Việt Nam có thể học hỏi không, thưa Đại sứ?
Chắc chắn rồi, Na Uy có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức có thể chia sẻ với Việt Nam. Cả hai đều là quốc gia biển, kinh tế biển có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta.
Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt các công trình dầu khí ngoài khơi. Tất cả những kinh nghiệm và công nghệ này có thể được ứng dụng hiệu quả trong ngành điện gió ngoài khơi. Vì thế, Equinor có một vị thế rất đặc biệt để chia sẻ những kinh nghiệm này với các đối tác Việt Nam.
Về Quỹ khí hậu mới của Na Uy, theo Đại sứ, Việt Nam có thể được hưởng lợi như thế nào từ chương trình tài chính khí hậu của Na Uy?
Na Uy quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực thi các cam kết trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, vì thế chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết kể cả trong nước và trên phạm vi quốc tế, kể cả các đóng góp quốc tế trong đó bao gồm các khoản tài chính cho khí hậu.
Năm ngoái, Chính phủ Na Uy đã thành lập một quỹ biến đổi khí hậu mới do Norfund quản lý để tài trợ cho các dự án/chương trình về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ở khu vực châu Á, Việt Nam có thể sẽ nằm trong số các quốc gia được hưởng tài trợ từ Quỹ này vì Việt Nam vẫn còn nhiều nhà máy điện than và mục đích của khoản tài trợ là để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam và đảm bảo cơ chế năng lượng xanh hơn ở Việt Nam.