Trong 8 tháng đầu năm 2022, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Xuất khẩu Việt Nam sang Đan Mạch tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam vươn lên thứ 5 trong các quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam trong năm 2022, chỉ sau Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị đã trao đổi với VTV4 xung quanh vấn đề này.
Xem video tại đây.
1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt kết quả rất tích cực với 12,8 tỉ USD vốn đăng kí, cao kỉ lục trong vòng 10 năm qua. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Đan Mạch đang nổi lên trong năm nay với nhiều dự án có quy mô lớn, như Lego và Pandora. Vì sao lại có sự tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam trong thời gian gần đây, thưa ông?
Thứ nhất, về bối cảnh, tình hình: biến động của tình hình thế giới, bất định gia tăng do Covid-19, cạnh tranh nước lớn, xung đột Nga-Ukraine khiến các DN Đan Mạch cũng phải hướng ra bên ngoài nhằm đối phó với tình trạng đứt gẫy các chuỗi cung ứng, sản xuất, vận tải, phân tán, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm cơ hội mới.
Thứ hai, sự hấp dẫn của Việt Nam: có nhiều, xin đưa ra 4 điểm chính:
Một là, chiến lược phát triển của hai nước có nhiều điểm tương đồng và phù hợp: lấy phát triển bền vững làm mục tiêu xuyên suốt, xác định tiến hành chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là biện pháp có tính dài hạn.
Hai là, quan hệ Việt Nam-Đan Mạch đang phát triển rất tích cực, hai bên có nhiều lợi ích song trùng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, chuyển đổi số…
Ba là, môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn do: (i) ổn định chính trị cao; (ii) tốc độ tăng trưởng cao, ổn định; (iii) lực lượng lao động trẻ với chi phí cạnh tranh, tư duy, tay nghề và sự sáng tạo được DN Đan Mạch đánh giá cao; (iv) chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn; (v) hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường này (cụ thể Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam EVIPA.)
Bốn là, giá trị địa chiến lược, địa kinh tế của Việt Nam tại khu vực, lợi thế so sánh về logistics, vận tải, tiếp cận…
2. Cùng với đầu tư, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Đan Mạch cũng có sự tăng trưởng rất mạnh thời gian qua trong bối cảnh hậu đại dich Covid-19. Những yếu tố nào đã đóng góp vào kết quả trên, thưa ông?
Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam: trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch tăng 26,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch tăng 50,5%
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá ấn tượng như phương tiện vận tải, phụ tùng tăng tăng 483,8% (gần gấp 5 lần), giày dép tăng 182,8%, túi xách, ví, vali, ô, mũ, dù tăng 88%, dệt may tăng 75,9%, thủy sản tăng 70,8%…
Một số nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Hiệp định EVFTA: hiệp định toàn diện, đã và đang giúp mở rộng hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giải quyết các rào cản thương mại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải.
Các quy tắc và thực tiễn minh bạch cung cấp sự ổn định và cải thiện khả năng dự báo cho các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch dài hạn.
EVFTA dỡ bỏ gần như tất cả thuế quan giữa EU và Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Đan Mạch hào hứng với thị trường Việt Nam hơn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp này có nhu cầu lớn trong việc tìm kiếm thị trường mới để chuyển dịch đầu tư và kinh doanh như đã đề cập ở trên.
Thứ hai, không kém phần quan trọng là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đến các doanh nghiệp Đan Mạch.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao lấy công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế làm trọng tâm, thời gian qua Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch và Thương vụ đã tích cực triển khai công tác quảng bá, cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp Đan Mạch qua các kênh như website, bản tin, tập san, sách tiếng Anh về Việt Nam để doanh nghiệp Đan Mạch ngày càng biết đến Việt Nam và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
3. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Đan Mạch, ông nhận thấy đâu là những lĩnh vực mà họ quan tâm đầu tư nhất tại Việt Nam hiện nay?
Thứ nhất, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời: Đan Mạch là một trong những nước đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo, có nguồn lực cả về tài chính, con người, công nghệ và kinh nghiệm quản trị trên cơ sở kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng từ những năm 1970s.
Việt Nam lại là quốc gia được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió: tiềm năng về lượng gió lớn, nguồn cung khí hydro dồi dào, đường bờ biển dài dễ xây dựng các tổ hợp sản xuất điện gió lớn, vị trí địa lý thuận lợi giúp kết nối hệ thống truyền tải, phân phối… Bên cạnh đó, là một quốc gia đông dân, có tốc độ tăng trưởng cao nên nhu cầu năng lượng của Việt Nam cũng rất lớn.
Thứ hai, sản xuất gắn với yếu tố xanh, bền vững. Cụ thể, Lego, Pandora là 2 DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau (đồ chơi, đồ trang sức) nhưng đều có chung tiêu chí hoạt động là xây dựng các nhà máy sản xuất thế hệ mới, công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, có các hoạt động trách nhiệm xã hội cao. Các công ty năng lượng như Orsted, CIP, Vestas… đang đầu tư tại Việt Nam cũng là các doanh nghiệp hoạt động theo tiêu chí xanh (sản xuất xanh, sử dụng các công nghệ phân phối, truyền tải thân thiện môi trường…)
Thứ ba, các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các công nghệ, nguyên vật liệu thân thiện môi trường.
Đan Mạch có thế mạnh trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm với trình độ công nghệ, cơ giới hoá cao. Ngành nông nghiệp đóng góp 24% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Đan Mạch. Còn công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành truyền thống, có trình độ kỹ thuật cao.
4. Trong hợp tác kinh tế, hai bên đang có khá nhiều lợi ích song trùng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, chuyển đổi số. Việt Nam có thể tận dụng điều này ra sao để tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Đan Mạch vào các lĩnh vực trên?
Về cơ bản, hầu hết các đầu tư của doanh nghiệp Đan Mạch đều có chất lượng cao, các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh, bền vững, thân thiện môi trường, và có trách nhiệm xã hội (thậm chí được đưa thành luật: Quốc hội Đan Mạch quy định 1000 DN lớn nhất Đan Mạch phải có báo cáo về trách nhiệm xã hội trong các báo cáo hàng năm, Quốc hội tuyên bố ngừng cấp phép khai thác nhiên liệu hoá thạch ở Biển Bắc từ năm 2050).
Do vậy, cần tiếp tục có các chính sách mang tính ưu đãi, khuyến khích, đồng thời thành lập các cơ chế hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đan Mạch, có các dự án đầu tư thế hệ mới, chất lượng cao, để các doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Có thể lấy Lego làm ví dụ minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Việc các doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững như Lego đầu tư vào Việt Nam sẽ có giá trị lan toả, giúp khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch sẽ tiếp tục xác định công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là trọng tâm công tác theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp giữa Thủ tướng với các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam tại nước ngoài ngày 19/09/2022. Theo đó, ĐSQ sẽ đẩy mạnh và tăng cường công tác quảng bá, kết nối, cũng như đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực nói trên cũng như các lĩnh vực khác.
5. (Như chúng ta vừa phân tích) Chiến lược phát triển của Việt Nam và Đan Mạch hiện nay có rất nhiều điểm tương đồng và phù hợp, trong đó phải nhắc đến tăng trưởng xanh và bền vững. Và trong thời gian qua, một số dự án lớn về phát triển năng lượng tái tạo từ Đan Mạch cũng đã được công bố tại Việt Nam. Ông đánh giá ra sao về tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Đan Mạch và Việt Nam trong lĩnh vực này?
Như đã phân tích ở trên, cả hai nước đều xác định đây là hướng đi xuyên suốt, với các biện pháp triển khai có tính dài hạn.
Cụ thể, quyết tâm của ta là rất cao: đưa ra “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và Kế hoạch hành động để triển khai chiến lược này. Trước đó tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra cam kết Việt Nam nỗ lực đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Đan Mạch cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh thông qua các kế hoạch quyết liệt của Chính phủ. Các quỹ đầu tư “xanh” do chính phủ Đan Mạch thành lập, thúc đẩy có khả năng huy động hàng chục tỷ USD đầu tư cho các lĩnh vực này.
Có thể nói, nhu cầu, tiềm năng và quyết tâm của ta đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là rất lớn. Trong khi đó, Đan Mạch lại là đối tác có nguồn lực dồi dào, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, và quan trọng hơn là coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.
Chính vì vậy, tiềm năng hợp tác về tăng trưởng xanh là rất lớn, cần tranh thủ, tận dụng vì mục tiêu phát triển đất nước.
6. Nguồn vốn đầu tư từ Đan Mạch có ý nghĩa rất quan trọng vì hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam. Vậy, để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thu hút đầu tư từ quốc gia này, Việt Nam cần lưu ý đến những vấn đề gì?
Hiện nay, kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển tất yếu. Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thu hút đầu tư chất lượng cao từ Đan Mạch, cần lưu ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, ta cần có cách tiếp cận dài hạn, xuyên suốt và nhất quán đối với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do Đan Mạch: (i) đánh giá rất cao khát vọng phát triển xanh và bền vững của Việt Nam, như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại COP26 vừa qua; và (ii) coi Việt Nam là “hình mẫu” về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu này.
Thứ hai, do khoảng 70% khí phát thải của Việt Nam hiện nay đến từ công nghiệp năng lượng, trong chiến lược quy hoạch năng lượng quốc gia ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, từ điện than sang điện gió, điện mặt trời, như vậy sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn nữa từ Đan Mạch, một trong những nước đi đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo với nhiều mô hình thành công như cảng điện gió lớn nhất Bắc Âu Esbjerg, trung tâm thử nghiệm tua-bin gió ngoài khơi Østerild, trung tâm điều hành hệ thống truyền tải gió ngoài khơi Eneginet, nhà máy sản xuất tua-bin gió Siemens Gamesa…
Thứ ba, có cách tiếp cận, triển khai đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các cấp, từ trung ương tới địa phương, từ các ngành tới các lĩnh vực. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam hiện là một trong các đối tác ưu tiên hàng đầu của Đan Mạch, tiềm năng hợp tác là rất lớn nhưng cơ hội không tồn tại mãi mà ta cần tranh thủ, nắm bắt do không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng có nhu cầu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh với những nước đi đầu về tăng trưởng xanh như Đan Mạch.
Và thứ tư, “dư địa” hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Đan Mạch còn nhiều. Tuy nhiên, trên cơ sở lợi ích chung, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, cần có những “đột phá” trong hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực cụ thể.
Hiện nay, Đan Mạch đang có nhu cầu mở rộng, nâng cấp và làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam, đặc biệt liên quan đến các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
7. Đầu tháng 9 vừa qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch đã được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch. Thêm vào đó, đầu tháng 11 tới, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Đan Mạch tháp tùng Thái tử Frederik của Đan Mạch trong chuyến thăm Việt Nam. Với nhiều hoạt động trong năm nay như vậy, hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước hứa hẹn sẽ bùng nổ ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay công tác ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch.
Chính vì vậy, ngày 05/9 vừa qua, ĐSQ Việt Nam tại Đan Mạch đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch: Hợp tác trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số với mục đích quảng bá về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đến các doanh nghiệp Đan Mạch, kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy tìm kiếm cơ hội hợp tác, cũng như trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Được biết các doanh nghiệp Đan Mạch đánh giá cao kết quả của Diễn đàn, và bày tỏ kỳ vọng, hứng khởi trước các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều trong số các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn sẽ tham gia đoàn Thái tử kế vị thăm Việt Nam đầu tháng 11 tới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện gió và quản lý, sử dụng hiệu quả năng lượng.
Chuyến thăm của Thái tử cho thấy một trong những ưu tiên của Đan Mạch đối với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới là thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh, bền vững.
Hi vọng thông qua những hoạt động như vậy, cùng với quyết tâm của cả hai phía, kết quả hợp tác trong thời gian tới sẽ tương xứng với tiềm năng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
8. Về phía Việt Nam, theo ông, các doanh nghiệp trong nước nên làm gì để có thể tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư và gia tăng xuất khẩu sang thị trường Đan Mạch?
Trước các diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách thương mại để thích nghi với điều kiện mới. Đầu tư, sản xuất, cung ứng, hậu cần, dịch vụ đang có sự chuyển dịch ở mọi cấp độ và phạm vi.
Thế giới thay đổi, vì vậy các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi để thu hút sự chuyển dịch này.
Mặc dù dân số chỉ có khoảng hơn sáu triệu người nhưng ngành sản xuất chế biến thực phẩm của Đan đủ cung cấp cho 15 triệu người. Nếu thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này sẽ giải quyết được bài toán xuất khẩu tại chỗ hàng nông sản thực phẩm cho các nhà máy chế biến và sau đó xuất khẩu ngược lại Đan Mạch và xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới.
Đan Mạch cũng là nước đi tiên phong trên thế giới về kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh, sạch, và bền vững. Nếu muốn thu hút các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững.
Về gia tăng xuất khẩu, Đan Mạch là quốc gia có dân số ít, thị trường tương đối nhỏ nhưng lại có yêu cầu rất cao đối với tiêu chuẩn hàng hóa tiêu dùng trong nước. Đây là thị trường có mức GDP bình quân đầu người cao thứ 6 trên thế giới và luôn đi đầu trong xu hướng tiêu dùng mới. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu được sang thị trường Đan Mạch sẽ có “chứng chỉ” để xuất khẩu đi các thị trường khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đan Mạch cần lưu ý tuân thủ các qui định chung về nhập khẩu vào thị trường EU mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Để hàng hóa được chấp nhận tại thị trường Đan Mạch, các doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người tiêu dùng Đan Mạch.
Người tiêu dùng Đan Mạch vốn có thu nhập thuộc hàng cao nhất thế giới nên các sản phẩm đặc sắc, mới lạ, có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng được đón nhận. Nói chung, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng Đan Mạch quan tâm đến nhãn mác của sản phẩm và các chứng chỉ, câu chuyện được in trên đó còn hơn cả bản thân sản phẩm.
Đối với thực phẩm, người Đan Mạch ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường. Đối với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế… Văn hóa tiêu thụ và vứt bỏ với các sản phẩm có vòng đời ngắn dần bị tẩy chay. Nền kinh tế tạo rác sẽ được thay thế bằng nền kinh tế tuần hoàn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đón đầu các xu hướng này để điều chỉnh sản xuất, gia tăng cơ hội xuất khẩu không chỉ sang Đan Mạch mà còn sang các nước khác.