Phóng viên TTXVN tại châu Âu vừa có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu về những điều chỉnh, quy định mới về xuất nhập khẩu của nước sở tại mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để đảm bảo giao thương được thông suốt.

https://baotintuc.vn/kinh-te/nhung-quy-dinh-moi-ma-doanh-nghiep-viet-nam-co-hang-xuat-sang-eu-can-luu-y-20230817143421959.htm

Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quy định chống phá rừng ngày 29/6/2023, đồng thời áp dụng từ ngày 30/12/2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc liên quan. Các doanh nghiệp đưa các mặt hàng này vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Âu phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Bà cho biết EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Bà cho biết thêm để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM. EU tin rằng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa. Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng euro/tấn CO2 thải ra.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm tháng 5/2023, các Bộ trưởng của 27 nước thành viên EU họp tại Bỉ, đã bày tỏ ủng hộ với đề xuất Quy định Thiết kế sinh thái mới. Quy định này cần phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái. Các yêu cầu ràng buộc về thiết kế sinh thái cho sản phẩm cụ thể để tăng hiệu suất của hàng dệt về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc, để giảm thiểu tác động xấu đến khí hậu và môi trường. Quy định này sẽ cho phép các doanh nghiệp có khoảng thời gian để thích nghi, tối thiểu là 18 tháng, sau khi quy định mới có hiệu lực. Các quốc gia thành viên EU cũng có 2 năm để điều chỉnh cách thức áp dụng quy định chung và bổ sung thêm các biện pháp riêng đối với mỗi quốc gia, có thể bao gồm những biện pháp giám sát thị trường và xử phạt.

Đề cập đến một số vụ lừa đảo thương mại như vụ hạt điều ở Italy, vụ hồi quế hạt điều xuất sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hay cả nhập khẩu về Việt Nam cũng bị lừa như vụ các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Mỹ có liên quan đến Mexico, có hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp Việt Nam do không sử dụng Thư tín dụng (L/C) trong thanh toán quốc tế và do doanh nghiệp nước ngoài lập chứng từ giả, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghệp Việt Nam để bảo toàn được hàng hóa cũng như tránh được nguy cơ trở thàn nạn nhân các vụ lừa đảo.

Trước tiên, bà liệt kê một loạt hình thức lừa đảo hiện nay như mạo danh các công ty của Bắc Âu để lừa đảo các đối tác nước ngoài; lập các website giả danh các công ty xuất khẩu có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo; lừa đảo qua website ngân hàng giả mạo, lừa doanh nghiệp Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc đến địa chỉ do tội phạm yêu cầu tại Na Uy và cho người theo dõi chứng từ, đón lõng nhận bộ chứng từ gốc để nhận hàng và không thực hiện thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết cảnh sát Na Uy đến nay đã nhận được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua, và con số thực tế còn lớn hơn. Bà cho biết hầu hết các trường hợp này, đối tượng lừa đảo thường không ở tại Na Uy nên cảnh sát cũng không can thiệp.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân bị lừa đảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng các doanh nghiệp cần hợp tác thương mại với các công ty nước ngoài cần xác minh thẩm định doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp lần đầu giao dịch. Đối với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp cần giao dịch trực tiếp, tránh chỉ giao dịch qua internet.

Đối với việc thanh toán, cần chọn phương án thanh toán đảm bảo an toàn như mở LC không hủy ngang và yêu cầu ngân hàng kiểm tra tính xác thực của LC trước khi giao chứng từ.

Đối với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên thuê luật sư để soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, mua bảo hiểm hàng hóa hoặc có thể sử dụng các dịch vụ logistics để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, khi trao đổi giao dịch, các doanh nghiệp Việt Nam nên đề nghị đối tác tiến hành  thương nghị trực tuyến qua video và lưu lại bởi theo bà, các công ty có thật không ngại vấn đề này, còn đối tượng lừa đảo thường từ chối tiếp xúc lộ diện.

Mạnh Hùng  (TTXVN)