Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vừa có chuyến thăm ngoại giao đến trụ sở Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Copenhagen, Đan Mạch. Bà đã có buổi gặp mặt thân mật với một trong những nhà sáng lập Tập đoàn CIP, cũng như tham quan trang trại điện gió ngoài khơi Middelgrunden, từng giữ danh hiệu lớn nhất thế giới khi được xây dựng vào năm 2000.
Theo thông tin từ TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ở trụ sở Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Copenhagen, Đan Mạch từ ngày 20 – 22.11, bà Christina Grumstrup Sørensen – đồng sáng lập Tập đoàn CIP đã giới thiệu tổng quan về tầm nhìn, sứ mệnh của CIP trong việc đầu tư, phát triển, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo tiên tiến trên toàn cầu.

Đoàn đại biểu đã lắng nghe những chia sẻ của hai thành viên Hội đồng Quản trị tập đoàn CIP, ông Niels Holst và ông Robert Helms, liên quan đến kế hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận).

Dự án La Gàn có tổng công suất 3,5GW với tổng vốn đầu tư ước tính 10,5 tỉ USD. Khi hoàn thiện xây dựng, dự án ước tính có thể cung cấp điện năng cho hơn 7 triệu hộ gia đình tại Việt Nam, thể hiện cam kết của CIP trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.

TTXVN cho biết, cũng trong dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã ghé thăm trang trại điện gió ngoài khơi Middelgrunden. Dự án này đi vào hoạt động từ năm 2001, tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Đan Mạch, giữ danh hiệu trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới vào thời điểm được khánh thành.

Trang trại điện gió ngoài khơi Middelgrunden có tổng cộng 20 tuabin, cung cấp tổng sản lượng điện 85.000MWh mỗi năm, tương đương 4% tổng điện năng tiêu thụ của thủ đô Copenhagen. Dự án nhận được tổng mức đầu tư 60 triệu USD vào thời điểm đó, trong đó CIP là một trong những nhà đầu tư quan trọng.

Thông qua việc tăng cường quan hệ với đối tác phát triển giàu kinh nghiệm, Việt Nam sẽ nhận được sự chuyển giao quý giá về chuyên môn cũng như các tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng sạch, hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xây dựng một tương lai xanh và bền vững tại Việt Nam.