Nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 6 năm 2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022.
Chuỗi sự kiện quy tụ 600 doanh nghiệp Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú như: Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, các hội thảo chuyên ngành về nông sản, thực phẩm, dệt may, đồ nội thất, hoạt động kết nối giao thương với 300 kênh phân phối và đoàn thu mua quốc tế đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 – Viet Nam International Sourcing Expo 2024 với quy mô 10.000 m2 dành cho doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, sẽ được triển khai cùng thời gian tại SECC.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn xuất khẩu ““Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” sáng ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kinh tế Việt Nam trong năm qua đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Để đạt được những thành tích nổi bật đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá.
Vì vậy, theo Thứ trưởng, Diễn đàn Xuất khẩu, cùng các diễn đàn, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing Expo 2024) là chuỗi sự kiện nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chuỗi sự kiện không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp.
“Hy vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các diễn đàn, hội thảo,… để Viet Nam International Sourcing 2024 trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng tin tưởng.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
“Chương trình Diễn đàn xuất khẩu do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức là chương trình được tổ chức định kỳ hàng năm đã được cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đón nhận và nhận được nhiều đánh giá tích cực như một kênh thông tin quan trọng hỗ trợ định hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp”,- ông Nguyễn Văn Dũng đánh giá và cho biết, thành phố đã và đang tiếp tục ban hành nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh. Thành phố khẳng định tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro và sẽ giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố nghiên cứu, chủ động phối hợp với các Cục, Vụ – Bộ Công Thương và các đơn vị xúc tiến, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thiết thực, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày về xu hướng tiêu dùng khu vực Bắc Mỹ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; Thương mại điện tử xuyên biên giới, bệ phóng đưa hàng Việt ra thế giới; Amazon Trung đông – Thị trường tiềm năng cho các sản phẩm Halal; Khai thác tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ – La tinh; Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may; Thách thức trong xuất khẩu sang thị trường EU và những khuyến nghị cần thiết trong bối cảnh nhiều thị trường tăng cường áp dụng các quy định về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; Quá trình tích cực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Viet Nam International Sourcing Expo 2024 được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong khâu tổ chức. Các doanh nghiệp được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, Dệt may, Giày dép, ba lô, túi xách, Đồ thể thao và dã ngoại, Đồ gia dụng và nội thất, Công nghiệp hỗ trợ… Sự kiện hứa hẹn thu hút 10.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 300 kênh phân phối, nhà nhập khẩu, tập đoàn công nghiệp uy tín từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương Sở Công Thương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.
Đặc biệt, Chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc của hệ thống Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Theo kế hoạch triển khai, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ đã tiến hành quảng bá Viet Nam International Sourcing 2024 rộng rãi tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để mời các đoàn thu mua quốc tế tham dự với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với nước sở tại (truyền thông trực tiếp hoặc điện tử, qua các kênh xúc tiến thương mại, networking…). Dưới sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và Vụ thị trường Châu Á – châu Phi, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực tìm kiếm, tiếp xúc, làm việc vận động, mời các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo nói trên.
Trong 3 ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2024, các hội thảo chuyên đề và kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn, điển hình như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan)…
Điểm đáng chú ý của chuỗi sự kiện năm nay là nhận được sự quan tâm của các nhà thu mua trung cấp, là chuyên gia mua hàng của các hệ thống siêu thị chuyên ngành, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giảm giá, chuỗi siêu thị phục vụ người châu Á, các công ty thương mại chuyên nhập khẩu để cung ứng theo các ngành hàng riêng biệt, đến từ nhiều thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Âu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia sự kiện sẽ có cơ hội được kết nối giao thương B2B với các Tập đoàn phân phối lớn, các đoàn thu mua quốc tế theo các khung thời gian được Ban tổ chức thu xếp trên cơ sở đăng ký thông qua trang web sự kiện. Dự kiến có khoảng 2000 lượt kết nối B2B trực tiếp, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các kênh phân phối, nhà thu mua quốc tế.