Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu là một trong những đơn vị đã tích cực tham gia Hội chợ Vietnam International Sourcing sau 2 năm tổ chức. Bà đánh giá ra sao về hiệu quả của hội chợ này?

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm đa dạng, từ nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép cho đến sản phẩm công nghệ cao… Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao Việt Nam chưa có được một hội chợ thương mại xứng tầm như THAIFEX (hội chợ hàng đầu trong lĩnh vực Thực phẩm và Đồ uống của Thái Lan)? Tại THAIFEX 2024, riêng đoàn Việt Nam đã có hơn 160 doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Do vậy, phải khẳng định việc Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ Vietnam International Sourcing hàng năm là đang đi đúng hướng. Nếu Vietnam International Sourcing của chúng ta dần lên được tầm THAIFEX sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có “đất diễn”, là cơ hội rất quan trọng giúp kết nối giao thương và tăng cường xuất khẩu.

Đối với đoàn doanh nghiệp Bắc Âu, sau 2 lần tham dự hội chợ, hiệu quả giao thương mà các doanh nghiệp thu được là gì, thưa bà?

Trong sự kiện được tổ chức hai năm 2023 và 2024, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã tổ chức đoàn doanh nghiệp về Việt Nam tham dự tương đối đông đảo, trong nhiều ngành nghề khác nhau. Tại đây, đoàn doanh nghiệp tham dự đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ logistics đến sản xuất, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh mới.

Ví dụ, cảng Gothenburg về tham dự hội chợ năm 2023 đã kết nối và làm việc với các đối tác Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, họ đã làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng và chuẩn bị ký bản ghi nhớ (MOU) về xúc tiến xuất nhập khẩu trực tiếp giữa Việt Nam và Thụy Điển, thông qua cảng Gothenburg và các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn. Đồng thời, hai doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực cảng biển. MOU này dự kiến được ký vào ngày 6/9 tới, với sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng tại Stockholm (Thuỵ Điển).

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng tại Bắc Âu như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hoặc các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như East Asia (Thụy Điển) hai năm liền tham gia hội chợ và mỗi lần tham gia, họ có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng rất mới được đưa vào thị trường như đu đủ xanh nạo sợi, bánh mì đông lạnh Việt Nam…

Bên cạnh những thành công đó, bà nhìn nhận thế nào về những điểm còn hạn chế tại sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng này?

Trước hết, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, Vietnam International Sourcing đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và như nhiều hội chợ quốc tế khác, chúng ta cũng gặp phải những thách thức nhất định, đặc biệt trong việc cân bằng giữa số lượng doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu tham gia.

Ví dụ, năm 2023, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia khá đông, nhưng số lượng doanh nghiệp nước ngoài do các Thương vụ đưa về mua hàng lại chưa đạt như kỳ vọng. Đến năm 2024, số lượng doanh nghiệp do các Thương vụ đưa về tăng lên nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và chủng loại hàng hóa trưng bày lại chưa được như mong đợi. Đây là vấn đề nhiều hội chợ khác, kể cả các hội chợ lớn cũng gặp phải và không phải chuyện có thể được giải quyết một sớm một chiều. Song nếu giải quyết được bằng cách hài hoà số lượng doanh nghiệp, chủng loại mặt hàng tham dự thì hiệu quả của hội chợ chắc chắn sẽ cao hơn.

Với kinh nghiệm từ việc đã tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, theo bà, cần những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Vietnam International Sourcing trong những lần tổ chức tiếp theo?

Trước hết, chúng ta cần bắt đầu từ việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam. Để tăng sức hấp dẫn cho hội chợ, việc đa dạng hóa các sản phẩm trưng bày là rất quan trọng. Chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp từ nhiều ngành hàng khác nhau tham gia, như nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, sản phẩm xanh… Trong những năm đầu, để thu hút được các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia gian hàng rất cần có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các địa phương như cung cấp các gói hỗ trợ tài chính hay đưa ra các chính sách ưu đãi.

Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp quốc tế cũng là một thách thức lớn. Bộ Công Thương cần xây dựng uy tín và thương hiệu hội chợ thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế và tại các hội chợ thương mại lớn trên thế giới để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức thương mại quốc tế và các nước để quảng bá và đưa đoàn mua hàng về Việt Nam cũng cần được lưu tâm như ký MOU với các tổ chức xúc tiến thương mại lớn của các nước. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đang triển khai việc này và nếu kịp cũng sẽ ký MOU trong chuyến thăm Thụy Điển sắp tới của Lãnh đạo Bộ.

Cuối cùng, thời gian tổ chức hội chợ nên cố định một thời điểm trong năm để các Thương vụ cũng như các doanh nghiệp dễ lên kế hoạch. Các hội chợ lớn trên thế giới cũng thường làm như vậy.

Tôi tin rằng, với sự đồng lòng và nỗ lực của tất cả chúng ta, Sourcing Fair sẽ ngày càng phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Phương Lan

https://congthuong.vn/vietnam-international-sourcing-tang-cuong-ket-noi-doanh-nghiep-338565.html