Ngày 11 tháng 11 năm 2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Điển, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã tới thăm Trụ sở mới của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và có buổi làm việc với bà Susanna Campbell, Chủ tịch Công ty Syre.
Syre là công ty của Thụy Điển chuyên tái chế dệt may, với mục tiêu giảm phát thải carbon và rác thải trong ngành dệt bằng cách tái chế Polyester quy mô lớn. Syre có kế hoạch xây dựng 12 nhà máy toàn cầu vào năm 2032, sản xuất 3 triệu tấn Polyester tái chế, giúp giảm 15 triệu tấn CO2e hàng năm.
Syre đang dự kiến lựa chọn Việt Nam làm địa điểm cho nhà máy tái chế Polyester công suất 250,000 tấn, với mức đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ USD. Nhà máy này sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo việc làm, phát triển hệ sinh thái quản lý rác thải, và tăng cường hoạt động vận chuyển, phân loại dệt may.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh ý tưởng của Syre về mong muốn lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy của mình. Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm và ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất mang tính bền vững và tuần hoàn. Ngày 07 tháng 6 năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Một trong những mục tiêu cụ thể “Tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế”. Do vậy, việc công ty Syre dự kiến đầu tư nhà máy tái chế rác thải dệt may tại Việt Nam của Công ty vào thời điểm này là phù hợp với các quy định về xử lý, tái chế rác thải dệt may và các chủ trương, chính sách của Việt Nam đang hướng tới như: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải…
Trao đổi với Thứ trưởng, bà Suzanna cũng bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành hàng dệt may tuần toàn với khối lượng tái chế dệt may lớn chưa từng có trên thế giới. Bên cạnh đó, Syre mong muốn phát triển hệ sinh thái mới về quản lý chất thải, sử dụng công nghệ mới nhất vào phân loại hàng dệt may, xây dựng các tiêu chuẩn về tái chế và phân loại chất thải, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất tại địa phương từ các đơn vị tái chế khác khi hệ thống nguyên liệu thô được phát triển. Syre hy vọng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương và các cơ quan/Ban ngành có liên quan trong quá trình phê duyệt và triển khai dự án.
Syre được thành lập năm 2023 bởi công con của Tập đoàn H&M và Công ty đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải/phế liệu dệt may. Trọng tâm ban đầu của Công ty là tái chế chất thải Polyester thành nguyên liệu mới cho ngành may mặc, ô tô và nội thất. Tập đoàn H&M đã ký kết thỏa thuận mua hàng với Syre trị giá tổng cộng 600 triệu USD trong 7 năm, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu dài hạn của H&M về polyester tái chế, hiện chủ yếu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất từ nhựa thành sợi.
Syre có kế hoạch đưa 12 nhà máy sản xuất vào hoạt động với công suất tối đa trên toàn thế giới đạt 3 triệu tấn polyester tuần hoàn và giảm hơn 15 triệu tấn CO2 (tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 3 triệu ô tô chạy bằng xăng) trong năm 2032. Các nhà đầu tư của Syre hiện nay bao gồm các công ty dệt may lớn như H&M, Volvo và Ikea cũng như các nhà đầu tư tài chính lớn như Vargas và TPG Rise. Nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024, từ năm 2025 Công ty sẽ có các hoạt động mua bán thương mại đối với các sản phẩm của mình.
Hiện nay, Syre đang đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia ưu tiên xây dựng nhà máy thương mại lớn với công suất 250.000 tấn mỗi năm, tổng số tiền đầu tư khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, trong đó bao gồm máy móc, nhà xưởng, lắp đặt và một số chi phí đầu tư khác. Dự án đầu tư của Syre có thể mang lại 600 cơ hội việc làm cho lao động địa phương, giúp tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực vận tải, phân loại chất thải dệt may thủ công và tự động.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ