Bối cảnh toàn cầu: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng và sự nổi lên của Việt Nam

Trong vòng nửa thập kỷ qua, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bước vào giai đoạn tái cấu trúc sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các cú sốc liên tiếp từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị, đến các biện pháp kiểm soát công nghệ cao của phương Tây, đã buộc các tập đoàn đa quốc gia phải khẩn trương định vị mạng lưới sản xuất.

Trong hơn hai thập kỷ, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Hoa Kỳ, nhưng Mexico đã vượt qua Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp hàng đầu vào năm 2023. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp lớn thứ hai cho Hoa Kỳ, chiếm 438,9 tỷ USD hàng hóa vào năm 2024, theo dữ liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng đã khiến nhiều công ty phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của mình. Khi căng thẳng giữa chính quyền Biden và Trung Quốc leo thang, quyết định chuyển nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc càng trở nên sáng suốt hơn.

Việt Nam trở thành điểm đến thay thế phổ biến cho các công ty Hoa Kỳ khi muốn tránh căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Việt Nam không chỉ thu hút nhờ chi phí lao động cạnh tranh, mà còn nhờ năng lực hội nhập sâu rộng thông qua mạng lưới các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP và UKVFTA. Các hiệp định này mở ra cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn, làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò “công xưởng mới” của thế giới.

Nike, một trong những thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới, hiện sản xuất khoảng 25% sản phẩm của mình tại Việt Nam. Tương tự, Williams-Sonoma đã giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 23%, đồng thời tăng tỷ trọng sản xuất tại Việt Nam lên mức 14%. Deckers Brands, công ty mẹ của các thương hiệu nổi tiếng như Ugg và Hoka, đang có tới 68 nhà cung cấp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi lớn khác như Wayfair, Lovesac, Hasbro, Mattel và Funko cũng đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến sản xuất để né tránh các mức thuế cao mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2024 đạt 136,6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023 (USTR, 2025).

Tuy nhiên, với việc Tổng thống Trump mở rộng cuộc chiến thương mại ra toàn cầu, họ không thể né tránh mãi.

Chính sách thuế đối ứng Hoa Kỳ: Cú sốc và hệ lụy

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố một chính sách thuế quan mới, mà ông gọi là “Ngày Giải phóng” (Liberation Day) — khoảnh khắc Hoa Kỳ “giành lại chủ quyền kinh tế” sau nhiều thập kỷ mà theo Trump là “bị bóc lột” trong thương mại quốc tế.

Chính sách này tạo ra những chấn động địa chính trị và thương mại sâu rộng, đặc biệt là với những quốc gia có mức xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ như Trung Quốc và Việt Nam. Trump xem thâm hụt thương mại là “rào cản ẩn” hoặc “thuế ngầm” mà các nước áp lên hàng hóa Hoa Kỳ, dù thực tế, đây chỉ là chênh lệch cung cầu thương mại. Hiểu một cách đơn giản, thâm hụt thương mại có nghĩa là một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu. Điều này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng một trong những lý do Hoa Kỳ có thâm hụt với nhiều nước là do quy mô nền kinh tế rất lớn và nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, trong khi hàng hóa từ các nước này cũng giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ có thêm lựa chọn giá rẻ.

Chính sách mới của Trump gồm hai lớp thuế chính:

  • Thuế cơ bản 10%, áp dụng trên mọi hàng nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ 5/4/2025;
  • Thuế “có đi có lại” cao hơn, nhắm vào hơn 60 quốc gia bị Mỹ xem là “gây mất cân bằng thương mại”, áp dụng từ 9/4/2025, trong đó thuế áp cho Trung Quốc là 34% (cộng thêm mức 20% trước đó), Việt Nam 46%, EU, Ấn Độ, Mexico, Hàn Quốc… từ 20 – 35%.

Theo CNBC, Chính quyền Trump sử dụng công thức: Thuế quan = (Thâm hụt thương mại song phương) / (Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó). Ví dụ, Việt Nam xuất sang Mỹ 136,6 tỷ USD, nhập 13,1 tỷ USD, thâm hụt 123,5 tỷ USD – tương đương 90% tổng xuất, nhập khẩu, mà Hoa Kỳ cho rằng đây là mức “thuế” mà Việt Nam đang “áp” cho hàng hóa Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ áp thuế 46%, tức một nửa mức tính toán (90%/2).

Quyết định này gây sức ép trực tiếp lên các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ, giày dép… đồng thời cổ phiếu các tập đoàn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Việt Nam đồng loạt lao dốc, như:

  • Nike: -14,4%;
  • Williams-Sonoma: -15,9%;
  • Deckers: -15%;
  • Wayfair: -28%;
  • Lovesac: -15,6%;
  • VF Corp.: -25%;
  • Các công ty đồ chơi như Mattel, Hasbro, Funko: giảm trên 10%.

(Nguồn: MarketWatch, 03/04/2025)

Ngoài ra, chính sách của Trump không dừng lại ở thuế quan, mà còn

  • Rào cản phi thuế quan như hạn ngạch, tiêu chuẩn kỹ thuật;
  • Kiểm soát thao túng tiền tệ, cáo buộc nhiều nước phá giá để tăng xuất khẩu.

Xung đột thương mại toàn cầu và hệ lụy dây chuyền

Chính sách thuế của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump khởi xướng đã nhanh chóng kích hoạt làn sóng trả đũa và ứng biến toàn cầu:

  • Trung Quốc: Áp thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Hoa Kỳ, dừng nhập khẩu một số hàng nông sản từ Hoa Kỳ, hạn chế đầu tư và hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm – nguyên liệu quan trọng với công nghệ cao. Bắc Kinh cũng đã kiện Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích của mình.”
  • EU: Uỷ ban châu Âu dự kiến sẽ áp thuế trả đũa 25% lên một loạt sản phẩm từ Hoa Kỳ như kim cương, trứng, xúc xích và chỉ nha khoa, dự kiến có hiệu lực từ ngày 16/5. EU cũng thành lập lực lượng đặc nhiệm giám sát nhập khẩu nhằm đối phó nguy cơ hàng giá rẻ từ Trung Quốc và các nước châu Á tràn vào thị trường EU. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định: “Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của châu Âu và các công cụ đối phó luôn sẵn sàng.”
  • Các nước châu Á (ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc): Không chọn đối đầu trực tiếp, nhiều quốc gia trong khu vực này chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn, ưu tiên đàm phán song phương với Hoa Kỳ để tránh bị cuốn sâu vào vòng xoáy thương mại và tăng cường liên kết nội khối.

Nguy cơ đối với Việt Nam:

  • Hoa Kỳ có thể gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế, siết chặt quy tắc xuất xứ;
  • Nếu EU và Trung Quốc tăng cường hợp tác, Việt Nam có thể rơi vào thế bị “kẹt giữa” hai khối thương mại đối trọng;
  • Nguy cơ bị giám sát gắt gao hơn cả ở Hoa Kỳ và EU do tỷ lệ phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc còn cao.

Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu hậu cú sốc thuế đối ứng

Với cú sốc thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu chuyển sang mô hình “Trung Quốc + n” thay vì “Trung Quốc + 1” như trước đây. Đối với các công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất may mặc, chính sách thuế mới đã đặt ra câu hỏi về việc liệu họ có nên và sẽ chuyển sản xuất sang đâu.

Tuy nhiên, cú đánh từ mức thuế 46% mà Hoa Kỳ mới áp dụng với Việt Nam là một thay đổi địa chính trị có sức nặng. Không chỉ là vấn đề về chi phí xuất khẩu, mà quan trọng hơn, chính sách này đặt ra một tín hiệu tiêu cực cho các nhà đầu tư đang cân nhắc Việt Nam như điểm đến cho chuỗi cung ứng phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – trở nên đắt đỏ hơn về chi phí thương mại, câu hỏi đặt ra là: các nhà đầu tư có còn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam với kỳ vọng lấy Hoa Kỳ làm đầu ra chiến lược? Cần nhìn nhận thực tế rằng, phần lớn dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm qua không chỉ nhắm vào thị trường nội địa hoặc châu Âu, mà còn hướng mạnh tới Hoa Kỳ. Các thương hiệu tiêu dùng Hoa Kỳ như Nike, Lululemon, Williams-Sonoma, và Lovesac đã chủ động chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam để né tránh mức thuế cao đối với Trung Quốc, đồng thời tận dụng quy tắc xuất xứ trong EVFTA, CPTPP và các FTA khác. Nay, khi Việt Nam cũng bị áp thuế cao, sức hấp dẫn đó chắc chắn sẽ bị xói mòn phần nào.

Chưa dừng lại ở đó, chính sách của Hoa Kỳ có thể khiến các tập đoàn đa quốc gia lo ngại về rủi ro bị cuốn vào các biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế hoặc biện pháp phòng vệ thương mại mở rộng trong tương lai. Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng Trung Quốc và châu Á, vẫn đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc. Mức độ phụ thuộc này, theo phân tích của Euromonitor, dao động từ 30% đến 80% tuỳ ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều đó có thể vô tình khiến Việt Nam rơi vào tình thế bị giám sát chặt hơn từ Hoa Kỳ, nếu Washington nghi ngờ hàng hóa Trung Quốc được “trung chuyển” qua Việt Nam để tránh thuế.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một cách cân bằng rằng, sự gián đoạn này có thể mang tính tạm thời, chứ không phải là sự đảo chiều hoàn toàn của xu hướng dịch chuyển toàn cầu. Xu thế giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là cấu trúc dài hạn của thương mại thế giới. Hoa Kỳ và châu Âu đều đã xác định chiến lược “tách rời có kiểm soát” khỏi Trung Quốc, và Việt Nam, với tư cách là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn nằm trong nhóm các điểm đến đáng chú ý nhất cho các chuỗi cung ứng mới. Thêm vào đó, không phải tất cả dòng vốn FDI vào Việt Nam đều phục vụ riêng cho thị trường Hoa Kỳ. Nhiều nhà đầu tư đang nhìn nhận Việt Nam là trung tâm sản xuất hướng tới thị trường ASEAN, EU, và nội địa Trung Quốc.

Cuối cùng, về mặt chiến lược dài hạn, thách thức hiện tại càng làm rõ hơn nhu cầu cấp bách của Việt Nam trong việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc và phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ trong nước. Việc nâng cấp hạ tầng logistics, đặc biệt là năng lực cảng biển và vận tải đường bộ, cũng sẽ quyết định khả năng duy trì sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Do đó, có thể kết luận rằng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gây khó khăn ngắn hạn cho dòng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án hướng tới thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn là xu thế dài hạn và Việt Nam, nếu kịp thời điều chỉnh chính sách, tiếp tục nâng cấp hạ tầng và đẩy mạnh nội địa hóa, vẫn giữ vững vị thế là điểm đến chiến lược của đầu tư toàn cầu trong giai đoạn trung và dài hạn.

(Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia)