Tình hình thương mại thủy sản của Việt Nam năm 2022

  • Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam với thế giới năm 2022: 11 tỷ USD;
  • Thị phần xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trên thế giới: 5,2%;
  • Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGR) 2018 – 2022: 7%; đứng thứ 5 trên thế giới (sau Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Nga);
  • Sản phẩm xuất khẩu chính: Cá tra, cá ngừ, cá ba sa, tôm và các sản phẩm tôm, tôm thẻ chân trắng,…;
  • Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc;
  • Xuất khẩu thuỷ sản sang EU năm 2022: 1,3 tỷ USD;
  • Xuất khẩu thuỷ sản sang Bắc Âu và Latvia năm 2022: 90,36 triệu USD.

Cam kết EVFTA về thuế quan đối với ngành thủy sản

EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản của Việt Nam như sau:

  • Xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó phần lớn các sản phẩm thuế cao từ 6-22% được xóa bỏ về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh,…
  • 50% số dòng thuế còn lại, thuế suất cơ sở từ 5,5-26%, sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, như sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ,…
  • Riêng mặt hàng cá ngừ đóng hộp và Surimi (cá viên) áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.

Lộ trình cắt giảm thuế đối với một số sản phẩm chính của Việt Nam

Mặt hàng Lộ trình giảm thuế
Tôm HS03 (shrimp & prawn): EIF hoặc lộ trình 3, 5 năm

HS16: 7 năm

Cá tra Lộ trình 3 năm, trừ cá hun khói là 7 năm
Cá ngừ HS03: EIF

HS16: TRQ với cá ngừ đóng hộp (11.500 tấn), 7 năm với thăn cá ngừ (loin)

Cua Lộ trình 3 năm
Mực, bạch tuộc EIF hoặc lộ trình 3 năm
Thủy sản khác TRQ với surimi (HS1604.20.05)

Lộ trình 3-7 năm với các sản phẩm còn lại

Tôm

  • Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU về 0%:

+ Tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ mức hiện tại 12,5%;

+ Tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) từ mức hiện tại 20%;

+ Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 từ mức 12% hiện tại.

  • Sau 5 năm: tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18%;
  • Sau 7 năm: tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0%.

Cá ngừ

  • EU xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực;
  • Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%;
  • Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%;
  • Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Biểu thuế thủy sản trong EVFTA

Danh mục 220 mặt hàng thủy sản được xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực

Cam kết EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với ngành thủy sản

Để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định EVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy. Tức là thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, theo quy tắc cộng gộp, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU, nếu thỏa mãn điều kiện:

  • Nguyên liệu này thuộc mã HS 030741 hoặc 030751 (Phụ lục III – Nghị định thư 1) sử dụng để sản xuất các sản phẩm có mã HS 160554 và 160555 (Phụ lục IV – Nghị định thư 1);
  • Nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN có FTA với EU cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định thư 1 và có hợp tác hành chính cần thiết với EU để bảo đảm việc thực thi đầy đủ Nghị định thư 1 này với EU và giữa họ với nhau.

Các tiêu chí trên được coi là linh hoạt hơn so với GSP.

Cam kết về TBT, SPS

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), để có thể xuất khẩu vào EU, hàng hóa phải tuân thủ các nguyên tắc TBT trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo vệ môi trường.

EVFTA bao gồm các cam kết về thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra có thêm cam kết về biện pháp SPS khẩn cấp gắn với các dịch bệnh và cam kết về giới hạn phạm vi địa lý của dịch bệnh.

EVFTA có một Chương riêng về thương mại và phát triển bền vững, với các cam kết về lao động, về môi trường, kinh doanh và quản lý bền vững các nguồn hải sản sống và sản phẩm nuôi trồng thủy sản; cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề IUU; cam kết hợp tác, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hản sản.

Như vậy, mặc dù nhiều dòng thuế đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam về 0%, nhưng việc Việt Nam bị áp dụng thẻ vàng với khai thác hải sản từ năm 2018 cũng có tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ, chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động, môi trường,… để thúc đẩy xuất khẩu hàng thủy sản sang EU.

Dự kiến tác động của các cam kết đối với ngành thủy sản của Việt Nam

Về xuất khẩu

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành thủy sản, dự kiện việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành thủy sản tăng trưởng xuất khẩu khoảng 2% trong giai đoạn 2020 – 2030. Hiện nay, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU chịu thuế khá cao như tôm hùm đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8-20%, thanh cua đang áp thuế 14,2%, cá tuyết thuế suất 13%, tôm hồng áp thuế 12%, các mặt hàng hàu, sò điệp, mực, cá bơn, hải sâm… có mức thuế nhập khẩu từ 8-11%. Do vậy, sau khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng  ngay lập tức được xóa bỏ về 0%. Điều này mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, những quốc gia chưa có hiệp định thương mại tự do với các đối tác EU.

Về nhập khẩu

Việt Nam ít nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ EU, vì vậy cơ bản các cam kết loại bỏ thuế đối với sản phẩm này sẽ ít có tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa.

Hiệp định sẽ giúp ngành thủy sản có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cơ hội tại thị trường Bắc Âu và Latvia

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và Latvia đạt 90,36 triệu USD, chiếm khoảng 1,2% thị phần tổng lượng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đi thế giới.

Trong khi đó, hàng năm các nước Bắc Âu và Latvia nhập khẩu lượng thuỷ sản khá lớn và liên tục tăng qua các năm. Tăng trưởng nhập khẩu thuỷ sản trong vòng 5 năm qua đạt trung bình khoảng 4,4%/năm.

Các nước Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu các nhóm sản phẩm: cá, tươi hoặc ướp lạnh trừ phi-lê với trị giá nhập khẩu 5,67 tỷ USD năm 2022, chiếm 60,4% tổng lượng nhập khẩu; Phi-lê cá và các loại thịt cá khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với đạt 1,65 tỷ USD, chiếm 17,6%; Cá đông lạnh trừ phi-lê đạt trị giá nhập khẩu năm 2021 là 783 triệu USD, chiếm khoảng 8,3%; và Động vật giáp xác, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối đạt trị giá nhập khẩu là 714 triệu USD, chiếm khoảng 7,6%.

Nếu không tính nhập khẩu nội khối, trong số các quốc gia ở châu Á, trong năm 2022, Việt Nam hiện đang đứng đầu danh sách xuất khẩu thuỷ sản vào các nước Bắc Âu và Latvia với khoảng 90,36 triệu USD, chiếm 0,96% trong tổng nhập khẩu thuỷ sản của Bắc Âu và Latvia. Ngay sau Việt Nam  là Trung Quốc với trị giá nhập khẩu là 73,66 triệu USD, chiếm 0,78% . Tiếp theo là Ấn Độ với trị giá là 19,88 triệu USD, chiếm 0,21%. Đây là các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam ở châu Á.

Hiệp định EVFTA đã mang lại lợi thế cạnh tranh lớn về thuế nhập khẩu so với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị phần tại khu vực này. Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong số các quốc gia ở châu Á, Trung Quốc luôn là quốc gia đứng đầu danh sách xuất khẩu vào các nước Bắc Âu và Latvia với trị giá xuất khẩu thường trên 84 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8/2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu thuỷ sản của Trung Quốc vào Bắc Âu và Latvia đã giảm xuống còn 63,8 triệu USD năm 2020, 52,6 triệu USD năm 2021 và tăng trở lại trong năm 2022 đạt 73,6 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu trong danh sách các quốc gia châu Á xuất khẩu thuỷ sản vào Bắc Âu và Latvia trong năm 2021 và 2022.

So sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực này, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần lộ trình về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%. Sản phẩm cá tra đông lạnh của Việt Nam sẽ giảm thuế về 0% sau 3 năm, trong khi Indonesia vẫn chịu thuế GSP 5,5%, Trung Quốc chịu thuế cơ bản 9%. Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm khi thuế được giảm về 0%, trong khi đó sản phẩm của Trung Quốc đang bị áp thuế 18%.

So sánh thuế nhập khẩu thủy sản vào EU của một số đối thủ cạnh tranh

(Danh mục cắt giảm thuế và so sánh thuế nhập khẩu của một số đối thủ cạnh tranh do Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tổng hợp)