Giữa bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó khăn vì tổng cầu suy giảm, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra nhiều giải pháp về phát triển thị trường, tạo các sản phẩm hấp dẫn như thực phẩm thay thế thịt, mít non đóng hộp… để tìm ra con đường mới đưa hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với người dùng thế giới.

Chiều tối 19/8,  Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, tình hình có nhiều diễn biến, có chiều hướng bất lợi cho xuất khẩu của đất nước. Do đó, Thủ tướng muốn thông qua hội nghị này để phân tích tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng với tình hình; hy vọng sau hội nghị này các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, tình hình xuất nhập khẩu sẽ phát triển vượt bậc.

Đừng xem nhẹ thị trường nhỏ, tìm ra sản phẩm lạ 

Các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra rất nhiều giải pháp về phát triển thị trường, đặc biệt là ở các thị trường mới, thị trường nhỏ. Ông Phạm Thanh Hải, Bí thư thứ nhất Thương vụ Nam Phi, cho hay do Nam Phi là nước nông nghiệp và cũng là nước xuất khẩu tương đối rẻ với chất lượng tốt. Vì vậy, để mặt hàng trái cây của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam nên chế biến các loại trái cây tươi của Việt Nam thành sản phẩm bao hàm giá trị gia tăng như nước quả, thực phẩm đóng hộp thì sẽ dễ thâm nhập vào thị trường Nam Phi và bán được với giá cao hơn; không phải cạnh tranh với hoa quả tươi của Nam Phi và chất lượng của hoa quả vận chuyển sang thị trường này cũng được đảm bảo.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, thẳng thắn cho rằng hiện cách tiếp cận của một số doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường EU còn chưa chuyên nghiệp, với một số đơn hàng nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại thị trường. Để tiếp cận tốt hơn thị trường này, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng linh hoạt, hai bên cùng có lợi, đáp ứng những yêu cầu cụ thể từ EU.

“Trong bối cảnh đó, Thương vụ kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tiếp cận cụ thể thị trường này. Chính phủ nên lựa chọn một số ngành hàng tiêu biểu và kiểm soát tốt chất lượng đầu ra. Chọn ra một số ngành hàng mũi nhọn vào thị trường EU. Điều này chúng ta có thể học cách kiểm soát các mặt hàng của Thái Lan khi xuất khẩu vào EU rất tốt”, ông Quân kiến nghị.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển, nhận định đây là thị trường nhỏ nhưng lại là các nước có GDP trên đầu người nằm trong top 10 thế giới, lại luôn đi đầu trong các xu hướng mới. Bắt được các xu hướng của thị trường này, chúng ta có thể đi tắt, đón đầu, và bứt phá thành công nên đây cũng là khu vực rất quan trọng.

Ngoài ra đối với thị trường Bắc Âu, Tham tán Hoàng Thúy cho rằng, cần xây dựng chiến lược tăng cường quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. “Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam”, bà Thuý nói.

Mặt khác, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu phát triển thị trường ngách, thị trường cho các sản phẩm đổi mới, ví dụ Bắc Âu họ rất quan tâm đến sản phẩm dành cho người có giới tính thứ ba, các sản phẩm mới hướng tới tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường như phát triển các thực phẩm mới có thể thay thế thịt, như mít non đóng hộp đang được ưa chuộng ở Bắc Âu và ở Việt Nam có rất nhiều; các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày thay thế nhựa có thể dùng tre, cói…

Phát huy vai trò vị trí tiền tuyến

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, thị trường này đang bắt đầu triển khai hệ thống showroom giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các nhà hàng Việt ở Canada. Nếu mỗi tỉnh, bang, thành phố có một vài showroom như vậy, sự nhận diện sản phẩm sẽ lớn hơn trong hiểu biết của người tiêu dùng. Đồng thời, các nhà nhập khẩu sở tại cũng có thêm kênh tiếp cận mẫu hàng và kiểm tra chất lượng sản phẩm dễ dàng.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng đang nghiên cứu cơ chế cấp chứng chỉ VietAuthentic (ẩm thực Việt nguyên bản) để lôi cuốn sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hàng và đầu bếp Việt Nam tại Canada vào việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến Việt Nam.

Sau khi lắng nghe kiến nghị của các tham tán thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phát triển hoạt động sản xuất chế biến nông sản, đây là hoạt động thế mạnh của Việt Nam, góp phần cân đối ngoại tệ, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang tập trung vào một số thị trường lớn. Trong thời gian tới, nếu công tác xuất khẩu vào được tất cả các thị trường, lớn hay nhỏ cũng sẽ góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước dễ dàng thuận lợi hơn trong công tác điều hành tiền tệ, tỷ giá.

“Về một số thị trường còn gặp khó khăn trong công tác thanh toán như Trung Đông và châu Phi, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị các thương vụ ở khu vực này nên thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối. Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong công tác thanh toán, tránh gặp những rủi ro không đáng có như câu chuyện 100 container hạt điều xuất sang Italia như hồi tháng 3 vừa qua”, Thống đốc Ngân Nhà nước nói.

Trước chia sẻ của các tham tán, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cùng với hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao, hệ thống thương vụ cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại. Truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng chính về đất nước, con người Việt Nam; quan điểm phát triển đất nước, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại… Từ đó, vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.