Thụy Điển là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tương đương với khoảng 50% GDP. Sau một thời gian dài đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lạm phát cao, suy thoái và thất nghiệp gia tăng, Chính phủ Thụy Điển đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển trở lại. Ngày 30 tháng 11 năm 2023, Chính phủ đã thông qua “Chiến lược thương mại, đầu tư và cạnh tranh toàn cầu của Thụy Điển” nhằm tăng cường cơ hội thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển đang áp dụng một cách tiếp cận mới và đồng bộ để quản lý các thách thức của nền kinh tế đồng thời khai thác các cơ hội mới trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay.

Không giống như các chiến lược chỉ tập trung vào xuất khẩu trước đây của Chính phủ cũ, chiến lược thương mại này có tham vọng tiếp cận toàn diện bao gồm xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư và nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của Thụy Điển. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay do thị phần của Liên minh châu Âu trong thương mại thế giới đang bị thu hẹp, điều này đặt ra yêu cầu lớn hơn đối với Thụy Điển và các doanh nghiệp để thành công tại tác thị trường mới nổi.

Chiến lược tập trung vào ba mục tiêu chính:

– Tăng cường khả năng cạnh tranh của Thụy Điển bằng cách cải thiện các điều kiện thương mại, đầu tư và đổi mới;
– Tăng cường xuất khẩu và hiện diện quốc tế của doanh nghiệp Thụy Điển;
– Củng cố vị thế của Thụy Điển với tư cách là đối tác ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Với chiến lược mới này, Thụy Điển dự kiến sẽ mở rộng đầu tư, trao đổi thương mại với các nền kinh tế mới nổi, thúc đẩy tính năng động của các doanh nghiệp, tập trung thế mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và tự động hóa. Do vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp Thụy Điển sẽ mở rộng và thúc đẩy thương mại với khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Việc đánh giá ngành hàng, thương mại bổ trợ sẽ giúp hai bên tối ưu hóa lợi ích từ chiến lược xúc tiến thương mại này.