Trong bối cảnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch tiếp tục dẫn đầu với các chính sách tiên phong về năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ. Những chính sách này không chỉ định hình tương lai kinh tế Bắc Âu mà còn tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyển đổi xanh và trung hòa các-bon sẽ tiếp tục là ưu tiên trọng tâm của Bắc Âu. Các quốc gia này đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính xuống mức tối thiểu. Tại Thụy Điển và Đan Mạch, các doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường rất khắt khe, đặc biệt đối với các sản phẩm có dấu chân các-bon cao. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, điều này có nghĩa là cần cải tiến quy trình sản xuất, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch và phát triển sản phẩm bền vững. Những mặt hàng như đồ gỗ, dệt may, và nông sản sẽ có lợi thế lớn nếu được chứng nhận sử dụng năng lượng tái tạo hoặc nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ ở Bắc Âu cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện và phụ tùng xe điện. Các nhà sản xuất trong nước có thể tận dụng xu hướng này bằng cách đầu tư vào công nghệ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm phục vụ ngành giao thông xanh.

Nền kinh tế tuần hoàn sẽ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị tại Bắc Âu. Chính sách mở rộng tái chế và tái sử dụng, cũng như thay thế nhựa bằng nguyên liệu sinh học, đang định hình tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc sản xuất bao bì thân thiện môi trường hoặc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa sinh học từ bột gỗ, cellulose, hoặc các sản phẩm tái chế sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Các ngành hàng như nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến cần chú trọng hơn đến bao bì xanh và có khả năng tái sử dụng. Đồng thời, việc đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn về quản lý rác thải và giảm phát thải sẽ là yêu cầu bắt buộc nếu muốn duy trì và mở rộng thị phần tại Bắc Âu.

Số hóa và đổi mới công nghệ là một xu hướng mạnh mẽ khác tại Bắc Âu. Việc chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây là thời cơ để áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, từ truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho đến nâng cao năng lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Những doanh nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ thông minh sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của thị trường Bắc Âu.

Bên cạnh đó, Bắc Âu còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại xanh và cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới (CBAM). Cơ chế CBAM sẽ áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu có phát thải CO2 cao, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng như thép, xi măng, hóa chất và nhôm. Để thích ứng, các doanh nghiệp cần sớm chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng và chứng minh được khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường khắt khe của EU.

Tuy nhiên, chính xu hướng này cũng mở ra cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ xanh từ Việt Nam. Các doanh nghiệp có khả năng cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường, như nông sản hữu cơ, thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên hoặc sản phẩm tái chế, sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.

Nhìn chung, các chính sách mới của Bắc Âu tập trung vào chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang định hình tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao. Doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập và phát triển bền vững tại thị trường này cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng, đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là thách thức mà còn là động lực để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

(Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu)