Bách khoa Hà Nội và công ty Danfoss chính thức ký kết hợp tác với sự chứng kiến của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch.

Biên bản ghi nhớ giữa Bách khoa Hà Nội và Danfoss Việt Nam là một trong 14 biên bản hợp tác song phương với sự chứng kiến của Thái tử, Công nương, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An và các đại diện cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Lễ ký kết được diễn ra trong khuôn khổ Lễ Khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng Bền vững Việt Nam Đan Mạch được tổ chức vào ngày 1/11 tại Hà Nội.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được ký kết với mục đích đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả năng lượng thông qua các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể, hai bên sẽ tập trung xây dựng các chương trình tài trợ trang thiết bị thí nghiệm, tài trợ học bổng cho sinh viên, triển khai dự án nghiên cứu để phát triển công nghệ làm lạnh sạch ở Việt Nam và cùng phối hợp để thực hiện các dự án vì cộng đồng.

Theo PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Nhiệt lạnh – Điều hoà không khí là ngành đầu tiên xây dựng chương trình hành động cụ thể đáp ứng mục tiêu quốc gia về trung hoà cacbon. Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021.

Ông cho biết, khi biến đổi khí hậu càng nghiêm trọng, nhu cầu nhiệt độ càng gia tăng. Trong tổng lượng tiêu thụ điện năm 2016 ở Việt Nam, lĩnh vực lạnh – điều hoà không khí chiếm 15%. Con số này có thể đạt tại gần 30% vào năm 2030.

Nhiệt lạnh – điều hòa không khí có thể đóng góp tới 12-15% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Vậy nên, công cuộc chuyển đổi xanh và sáng tạo công nghệ xanh trong Nhiệt lạnh – điều hòa mang ý nghĩa rất quan trọng. “Các trường đại học và chuyên gia sẽ luôn đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong tiến trình xây dựng một tương lai xanh”, PGS. Nguyễn Việt Dũng khẳng định.

Chia sẻ những mục tiêu về giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng sạch, Thái tử tin tưởng Đan Mạch sẽ luôn là người bạn đồng hành cùng Việt Nam hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

Thành lập năm 1933 tại Đan Mạch, Danfoss là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực làm lạnh sạch  khí tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Trước đó, Danfoss từng có nhiều hợp tác với các cán bộ trường Cơ khí thông qua các dự án nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu sinh.

“Chúng tôi muốn làm việc với những đại học tốt nhất, và Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật lớn nhất tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ lạnh và điều hòa không khí. Chúng tôi cảm thấy rất háo hức khi hai bên chính thức thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, bởi chúng tôi có thể đem đến những công nghệ tiên tiến, trong khi Bách khoa Hà Nội đào tạo được những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao”, ông Niels Robert Arbjerg, Chủ tịch công ty Danfoss khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết.

Sau Lễ Khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng Bền vững Việt Nam – Đan Mạch là hai hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ của Đan Mạch trong việc xây dựng ngành công nghiệp gió ở Việt Nam” và “Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.

Chuyến thăm được tổ chức nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

Sau khi các doanh nghiệp lớn của Đan Mạch như Lego, Pandora đầu tư vào Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư mới là 1,32 tỉ đô la.

Hoàng gia Đan Mạch có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam. Nữ hoàng Margrethe II và Thái tử Frederick đều dành cho Việt Nam một tình cảm hết sức đặc biệt bởi cố Hoàng thân Henrik có những năm đầu đời sinh sống tại Hà Nội. Năm 2009, Thái tử Frederick cùng cha mẹ và vợ đã có chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước lần đầu tiên. Ông duy trì các hoạt động ngoại giao sau đó như tới thăm Việt Nam vào dịp 40 năm kỷ niệm quan hệ hai nước, chúc mừng Quốc khánh 2/9…