Thủ tục hải quan

Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển phải làm các thủ tục hải quan.

Thủ tục hải quan thông thường là thủ tục mà theo đó hàng hoá được trả khi hoàn tất khai báo nhập khẩu đi kèm với các chứng từ liên quan và nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ hải quan khác cho cơ quan hải quan.

Thủ tục hải quan đơn giản là thủ tục mà theo đó cơ quan hải quan nơi tiến hành nhập khẩu chấp thuận cho nhà nhập khẩu chỉ cần hoàn tất các chứng từ liên quan, còn thuế có thể được nợ và nhà nhập khẩu chỉ cần ghi nợ khoản thuế này với cơ quan hải quan.

Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.

Khai báo hải quan qua Internet: đây là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí. Người nhập khẩu chỉ cần nhập các mục cần thiết trong mẫu tờ khai điện tử, sau đó chuyển đến hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển qua Internet. Những thông tin khai báo điện tử được hợp thức hoá nhờ việc sử dụng chữ ký điện tử.

Khai báo hải quan trên giấy tờ: người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy) sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này. (Nếu khai và nộp tờ khai hải quan ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ sẽ phải trả một khoảng lệ phí khoảng 5 USD).

Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan, bao gồm:

  • Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, phương thức thanh toán, giao hàng, phương tiện vận chuyển;
  • Tờ khai hải quan: áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20.000 Euro. Tờ khai hải quan phải kèm theo mẫu Văn bản hành chính đơn (SAD);
  • Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại;
  • Phiếu đóng gói: là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng. Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường;
  • Giấy chứng nhận xuất xứ: đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A);
  • Giấy phép nhập khẩu: đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hoá chất, dược phẩm;
  • Giấy chứng nhận kiểm dịch: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Chứng từ nhập khẩu: đối với hàng phi nông sản;
  • Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.

Các nhà nhập khẩu thường sử dụng các dịch vụ của các công ty giao nhận vận chuyển để làm các thủ tục hải quan cho hàng hóa. Thực tế, các công ty giao nhận lớn đều có kho riêng được phép tạm lưu hàng dưới sự giám sát của hải quan. Công ty giao nhận cũng có thể thanh toán thuế hải quan và nộp các loại thuế, phí khác. Hơn 90% lượng hàng gửi bằng đường hàng không đều thông qua một công ty giao nhận.

Đa số các nhà nhập khẩu thường xuyên đều đăng ký với Cục Hải quan Thụy Điển để được sử dụng Mẫu khai hải quan đơn giản. Các nhà nhập khẩu không đăng ký thì phải nộp tờ khai hải quan đầy đủ và phải trả thuế, phí trước khi nhận hàng.

Cơ quan Hải quan Thuỵ Điển chịu trách nhiệm làm các thủ tục thông quan hàng hoá khi nhập khẩu vào Thuỵ Điển. Thông tin liên hệ:

Tullverket (Swedish Customs)
Box 12 854, 11298 Stockholm
(+46) 771-520 520
[email protected]

Qui định về chứng từ nhập khẩu
Hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu giữa Thuỵ Điển và các nước ngoài EU

Hạn chế nhập khẩu

Thuỵ Điển có những qui định nhập khẩu riêng đối với một số hàng hoá trong diện hạn chế nhập khẩu. Việc hạn chế có thể do:

  • Chính sách thương mại;
  • Bảo vệ môi trường;
  • Sức khỏe và an ninh;
  • Ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch đối với động vật và thực vật.

Đối với một số hàng hoá nhất định như vũ khí, chất gây nổ, và chất độc hại chỉ các cá nhân và tổ chức có thẩm quyền mới có quyền nhập khẩu, và yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu hoặc sự cho phép đặc biệt. Các chất pha chế vi khuẩn học nhất định chỉ có thể được nhập khẩu bởi Phòng thí nghiệm Vi khuẩn Quốc gia.

Một số mặt hàng cần có giấy phép và chứng từ bổ sung khi nhập khẩu là động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, cây trồng, nông sản, thực phẩm, đồ uống có cồn, hoá chất và các sản phẩm hoá chất, sản phẩm y tế, ma tuý, các loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), rác thải.

Ngoài ra, ở Thụy Điển, rượu thường bị đánh thuế rất nặng và chỉ được bán ở những cửa hàng đặc biệt.

Giấy phép nhập khẩu

Sau khi Thụy Điển gia nhập Liên minh Châu Âu vào ngày 1 tháng 1 năm 1995, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép.

Cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành nhập khẩu.

Thông tin đăng ký cấp phép được gửi hàng ngày cho Uỷ ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) phê duyệt. Riêng hàng công nghiệp sẽ do Uỷ ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển cấp giấy phép.

Hầu hết các mặt hàng dệt may và các sản phẩm sắt thép, thủy sản và nông sản yêu cầu giấy phép nhập khẩu.

Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu các qui định áp dụng đối với mặt hàng của mình. Dưới đây là ví dụ một số mặt hàng cần có giấy phép.

  • Hải sản: Thụy Điển áp dụng luật lệ của EU về hạn chế số lượng nhập khẩu cá Tuna và cá Sardine đóng hộp. Do vậy, nhập khẩu các mặt hàng này cần xin phép Ủy ban Ngư nghiệp Quốc gia;
  • Động vật sống, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và hàng nông sản: xin giấy phép của Uỷ ban Nông nghiệp;
  • Thực phẩm: xin giấy phép của Cơ quan Thực phẩm Quốc gia
  • Các loại cây và rau quả: các loại nhiễm sâu bọ và ký sinh trùng không được phép nhập khẩu. Một vài loại rau quả và sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật chỉ có thể được nhập khẩu với điều kiện có giấy xác nhận kiểm dịch của Cơ quan Bảo vệ thực vật của nước sản xuất. Giấy xác nhận phải được trình tại thời điểm hàng đến cửa khẩu. Một số mặt hàng bắt buộc phải có giấy xác nhận kiểm dịch là: các loại thân củ, rễ củ, thân ống, thân rễ, ở dạng ngủ, đang phát triển, hoặc đang trổ bông; cây và rễ của các loại rau diếp xoăn, trừ rễ thuộc nhóm 12.12 theo Biểu Thuế hải quan chung; các loại cây sống khác (kể cả rễ), cành giâm hay cành ghép; hoa cắt và hoa nụ của các loài như Argeranthemum, Dendranthema, và Gypsophila cũng như các loại phong lan từ các nước ngoài châu Âu; rau quả, tươi, hoặc đông lạnh: khoai tây, hành (allium), tỏi, rau diếp xoăn, các loại rễ củ, cần tây trắng, củ sắn, củ dong, và củ lan, cây Artiso Jerrusalem, khoai lang, và các loại củ rễ tương tự; những sản phẩm tươi sau đây: cam quýt từ các nước ngoài châu Âu nhưng không thuộc vùng Địa Trung Hải, táo, lê, mộc qua (quinces), mơ, sơ ri, đào (kể cả xuân đào), mận, và mận gai từ nước ngoài châu Âu; những loại hạt giống để trồng trọt: ngô (ngô Zea), hướng dương (Helianthus), củ cải (Betavulgaris), cỏ linh lăng (Medicago satiua), cà chua (Lycopersicon lycopersicum), củ cải đường dạng tươi, củ cải Thụy Điển, củ cải dạng tươi và các loại rễ khác làm thức ăn gia súc. Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển chịu trách nhiệm cấp phép cho các mặt hàng nói trên;
  • Động vật: Hiệp định Washington tức là Hiệp định Quốc tế về Buôn bán các động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã có một số hạn chế hoặc cấm nhập khẩu động thực vật này và các sản phẩm của chúng. Phòng Kiểm dịch Thú y của Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển cấp giấy phép nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng này;
  • Dược phẩm: dược phẩm được lưu thông tự do từ các nước thành viên khác của EEA có thể được nhập khẩu vào Thụy Điển nhưng không được bán hay tiếp thị trước khi có sự phê chuẩn của Cơ quan Dược phẩm (MPA). Việc nhập khẩu dược phẩm từ các nước ngoài EU và EEA cần có giấy phép sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường;
  • Dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: cần được Cơ quan Dược phẩm chấp nhận cấp phép trước khi nhập khẩu và tiếp thị;
  • Hầu hết các hàng hóa công nghệ phẩm (các hàng hóa không phải hàng nông sản) được nhập khẩu vào Thụy Điển không cần giấy phép. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, như sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ các nước ngoài EFTA (HS72); một số sản phẩm từ Trung Quốc; sản phẩm dệt…;
  • Sắt, thép, nhôm, và các sản phẩm: giấy phép do Uỷ ban Thương mại Quốc gia cấp;
  • Vũ khí, đạn dược: chỉ có các cơ quan có thẩm quyền được nhập khẩu và phải có giấy phép đặc biệt do Cơ quan Cảnh sát Thuỵ Điển cấp.

Hàng mẫu của những sản phẩm cần phải xin giấy phép nhập khẩu thì cũng phải thông qua các thủ tục xin giấy phép tương tự như đối với các lô hàng có tính chất thương mại. Để đơn giản hóa thủ tục, Thụy Điển chấp nhận cấp giấy phép nhập khẩu trọn gói có giá trị lên đến 6 tháng. Theo đó, nhà nhập khẩu Thụy Điển có thể nhập khẩu nhiều lần một số lượng hàng mẫu nhất định có giá trị vừa phải từ một nước nào đó. Như vậy, nhà nhập khẩu không phải xin từng giấy phép riêng biệt cho từng lô hàng mẫu. Khi giấy phép nhập khẩu trọn gói hết hạn, nhà nhập khẩu Thụy Điển phải trình cho cơ quan cấp giấy phép các chứng từ có liên quan đã được cấp cho các nơi gửi hàng mẫu. Đối với các hàng mẫu có giá trị thương mại sẽ được tái xuất, việc tạm miễn thuế và các loại phí khác sẽ được xem xét.

Đầu mối các cơ quan cấp phép.

Uỷ ban Thương mại Quốc gia là cơ quan cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép, nhôm.

Kommerskollegium (National Board of Trade)
Drottninggatan 89, Box 6803, 113 86 Stockholm
(+46) 8 690 48 00
[email protected]

Uỷ ban Nông nghiệp là cơ quan cấp phép và quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, phân bón.

Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture)
Vallgatan 8, 551 82 Jönköping
(+46) 36 15 50 00 / 771 223 223
[email protected]

Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các thực phẩm cho con người.

Livsmedelsverket (National Food Administration)
Box 622, 751 26 Uppsala
(+46) 18 17 55 00
[email protected]

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường như rác thải.

Naturvårdsverket (Swedish Environmental Protection Agency)
106 48 Stockholm
(+46) 10 698 10 00
[email protected]

Cơ quan Hoá chất Thuỷ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm hoá chất nguy hiểm, chất ô nhiễm hữu cơ, và các chất tẩy rửa

Kemikalieinspektionen – KEMI (Swedish Chemicals Agency)
Box 2, 172 13 Sundbyberg
(+46) 8 519 411 00

Hàng tạm nhập

Hàng hoá nhập khẩu vào Thụy Điển không nhằm sử dụng trong nước có thể được miễn nộp thuế nhập khẩu và/ hoặc thuế giá trị gia tăng khi được nhập khẩu trong thời gian ngắn và sau đó được tái xuất.

Hàng hóa được xuất khẩu đến một nước ngoài Liên minh châu Âu để chế biến gọi là chế biến thụ động. Chế biến chủ động là hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu để chế biến tại đây. Trong cả hai trường hợp đều thu thuế trên sản phẩm đã qua chế biến. Nhà nhập khẩu nộp đơn xin tạm nhập tại Cục Hải quan Thụy Điển và đơn này sẽ được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu để xem xét.

Thụy Điển tuân thủ ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa tạm nhập sau:

  • Hàng mẫu có giá trị thương mại;
  • Hàng hóa dùng để tham gia hội chợ, triển lãm;
  • Phim;
  • Thiết bị chuyên dụng;
  • Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành.

Việc nhập khẩu tạm thời này cần được Phòng Thương mại Thuỵ Điển cho phép.

ATA carnet cho phép tạm nhập hàng mà không đòi phải có các giấy chứng minh đã hoàn tất thủ tục hải quan. Tại Thụy Điển, có thể được phép tạm nhập hàng trong vòng 1 năm hoặc trong thời hạn ATA carnet có hiệu lực.

Hơn 70 nước đã tham gia vào hệ thống ATA carnet. ATA carnet cho phép tạm nhập mà không cần phải điền tờ khai hải quan hay đặt cọc thuế hải quan và các loại phí khác.

Nếu hàng không thuộc loại được cấp ATA carnet cần phải đóng tiền cọc hoặc tiền bảo đảm về thuế quan và các loại phí khác.

Một điều kiện bắt buộc cho việc tạm nhập là hàng hóa khi tái xuất phải đúng là hàng tạm nhập trước đây.

Phân loại hàng hóa

Tất cả các loại hàng hoá đều được phân loại và gắn mã số theo Hệ thống hài hoà về mô tả và mã hoá hàng hoá (HS).

Phân loại hàng hóa có nghĩa là nhận dạng đúng mã hàng cho hàng hóa của mình. Tất cả các mã này đều có trong qui định về thuế quan của Thụy Điển.

Mã hàng là cơ sở để nhân viên hải quan làm thủ tục thông quan cho hàng hóa, cụ thể hơn chính là để áp thuế hay nhận dạng loại hàng hóa đó cần phải có giấy phép đi kèm hay không. Vì lý do này, việc các nhà xuất nhập khẩu nhận biết và sử dụng đúng loại mã hàng hóa là rất quan trọng khi tiến hành thủ tục xuất nhập khẩu.

Có những loại hàng hóa dễ dàng phân loại, chúng có thể được định nghĩa rõ ràng trong văn bản qui định. Tuy nhiên, có một số loại hàng hóa gặp khó khăn khi phân loại, trong trường hợp đó các nhà xuất nhập khẩu nên tìm sự trợ giúp từ phía cơ quan hải quan và có thể là sẽ phải chịu áp dụng qui định phân loại ràng buộc.

Qui định phân loại ràng buộc: là văn bản pháp luật qui định mã cho một loại hàng hóa nào đó. Qui định này thường có giá trị trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ ngày ban hành và chỉ có giá trị đối với đối tượng áp dụng của nó mà thôi. Qui định này có thể được áp dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả các nước thành viên EU.

Tất cả các qui định phân loại ràng buộc được đăng ký trong một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các nước EU. Khi áp dụng một qui định nào đó phải thừa nhận và tuân thủ trình tự của nó. Để áp dụng phải điền vào một tờ khai đặc biệt tại các cơ quan hải quan Thụy Điển.