An toàn sản phẩm

Hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu vào Phần Lan phải đáp ứng các yêu cầu của EU về an toàn sản phẩm. EU có qui định chung về sự an toàn sản phẩm, đưa ra các qui định về:

  • An toàn chung;
  • Nghĩa vụ của nhà sản xuất và nhà phân phối;
  • Giám sát thị trường.

An toàn sản phẩm được qui định trong Chỉ thị 2001/95/EC cấm việc bán những sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng gây ra bởi chất liệu nguy hiểm hay sản xuất không an toàn. Chỉ thị này được áp dụng cho tất cả sản phẩm trên thị trường hàng tiêu dùng. Đây là chỉ thị khung, và nó được bổ sung thêm bởi những chỉ thị cụ thể hơn cho từng nhóm hàng cụ thể như là chỉ thị an toàn cho nhóm hàng thực phẩm, đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em, dụng cụ điện, v.v.

Nếu trong khâu sản xuất hàng hóa có sử dụng hóa chất, cần nghiên cứu quy định của EU về hóa chất và cách sử dụng chúng an toàn. Chỉ thị EC 1907/2006 được gọi là REACH (Đăng ký, đánh giá, cho phép, và hạn chế đối với hóa chất) có mục đích chính là tăng cường bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Những nhà sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm lớn hơn để quản lý những nguy cơ từ hóa chất và để đăng ký những thông tin được yêu cầu ở một cơ sở dữ liệu trung tâm do ECHA (Cơ quan Hóa chất châu Âu) đặt ở Helsinki, Phần Lan, điều hành.

Những nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối phải hợp tác để cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết về an toàn sản phẩm bằng cách gắn nhãn hiệu cảnh báo lên sản phẩm hay có bản hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Người nhập khẩu và phân phối cần kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm mà họ bán, và tiến hành những biện pháp cần thiết để tránh những nguy cơ tiềm ẩn. Điều này có thể là thu hồi sản phẩm còn trên thị trường, thông báo cho người tiêu dùng, thu hồi sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm có lỗi. Các cơ quan theo dõi thị trường quốc gia của các nước EU đã thành lập ở châu Âu một mạng lưới RAPEX, Hệ thống cảnh báo nhanh đối với tất cả hàng hóa nguy hiểm trừ thực phẩm, thuốc và dụng cụ y tế.

An toàn sản phẩm luôn được kiểm tra trước khi hàng được nhập để tránh những vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Nếu người mua có thể chứng minh là họ bị tổn thương về con người hay tài sản do hàng kém chất lượng gây ra, họ có thể đòi bồi thường tài chính, trước hết, từ người phân phối theo Chỉ thị về Trách nhiệm Sản phẩm của EU. Nhà phân phối, sau đó, có quyền chuyển khiếu nại cho nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, hay bất kỳ ai tham gia trước đó trong dây chuyền phân phối. Chỉ thị này chi phối tất cả sản phẩm công nghiệp, nhưng trừ hàng nông nghiệp, sản phẩm này có luật pháp riêng.

Các qui tắc chung về an toàn sản phẩm của EU

Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU

Tiêu chuẩn kỹ thuật

Ở Phần Lan, có một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra xem các sản phẩm kỹ thuật (như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v.) lưu thông trên thị trường Phần Lan có đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hóa hay không?

Mục đích của các tiêu chuẩn là mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Công tác tiêu chuẩn hóa ở Phần Lan là tự nguyện và dựa trên sự đồng thuận.

Ở Phần Lan, các hoạt động tiêu chuẩn hóa do Hiệp hội Tiêu chuẩn Phần Lan (SFS) với 9 chi nhánh chịu trách nhiệm. SFS và các chi nhánh phối hợp với các bên tham gia có liên quan của Phần Lan trong công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế.

SFS là thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), và đại diện cho Phần Lan ở cả CEN và ISO.

SFS thành lập các ủy ban và các nhóm tiêu chuẩn hóa theo các lĩnh vực ví dụ như quản lý chất lượng và môi trường, công nghệ thông tin, an toàn cháy nổ, đo lường, đồ chơi và bao bì.

Bất cứ ai quan tâm đến việc xây dựng và giám sát tiêu chuẩn hóa trong một lĩnh vực cụ thể có thể đăng ký tham gia các uỷ ban và các nhóm tiêu chuẩn hoá của SFS.

Dán nhãn CE

Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Phần Lan cũng như thị trường châu Âu yêu cầu phải được dán nhãn CE.

CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. Chứng nhận CE Marking cho biết sản phẩm tuân theo pháp luật của EU và cho phép sản phẩm đươc lưu thông tự do trong thị trường Châu Âu.Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ rằng sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.

Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.

Các sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE:

  • Máy móc công nghiệp;
  • Thiết bị điện và điện tử bao gồm AC 50V~1000V, DC 75V~1500V;
  • Thiết bị điện và điện tử;
  • Thiết bị y tế;
  • Thiết bị y tế cấy dưới da;
  • Các thiết bị y tế ống nghiệm;
  • Thang máy;
  • Sản phẩm chống cháy nổ;
  • Đồ chơi trẻ em;
  • Thiết bị áp lực đơn;
  • Thiết bị khí đốt;
  • Thiết bị đầu cuối, truyền thông có dây và không dây;
  • Thiết bị cân không tự động;
  • Thiết bị bảo vệ cá nhân;
  • Nồi hơi nước nóng;
  • Vật liệu xây dựng;
  • Cáp dùng cho giao thông vận tải cá nhân;
  • Thiết bị áp lực;
  • Các loại thuốc nổ dân dụng;
  • Du thuyền;
  • Dụng cụ đo lường;
  • Thùng để đóng gói;
  • Pháo hoa.

Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như sau:

  • Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
  • Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
  • Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.

Các qui định của EU về nhãn CE

Đánh giá hợp chuẩn

Đánh giá tính hợp chuẩn là một bước bắt buộc đối với các nhà sản xuất khi muốn lưu thông hàng hoá ở châu Âu, trong đó có Phần Lan. Mục đích của việc đánh giá tính hợp chuẩn là để đảm bảo việc nhà sản xuất tuân thủ qui định của EU trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Luật sản phẩm của châu Âu cho nhà sản xuất một số cơ hội chọn lựa liên quan đến công tác đánh giá tính hợp chuẩn, phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm. Các chọn lựa này có thể là tự chứng nhận, kiểm tra theo chủng loại, hệ thống kiểm tra chất lượng sản xuất, và hệ thống bảo đảm chất lượng toàn diện.

Để thúc đẩy quá trình chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp có thể tham gia các chương trình đánh giá tính hợp chuẩn tự nguyện. Hệ thống chứng nhận của CEN là Keymark, dấu CENCER, và Nhóm Hiệp định Tiêu chuẩn châu Âu. CENELEC cũng có một chương trình riêng, xem tại đây. Còn ETSI không cung cấp các dịch vụ đánh giá tính hợp chuẩn.

Nhà nhập khẩu phải có tài liệu chứng minh sự hợp chuẩn. Với những hàng rủi ro thấp, thường không có yêu cầu đặc biệt, chỉ cần Bản khai Hợp chuẩn của nhà cung cấp là đủ. Với hàng rủi ro cao, thuộc tính hàng hóa có thể phải được xác minh bằng kết quả kiểm định của phòng xét nghiệm hay kết quả kiểm tra hàng. Trong một số trường hợp (ví dụ hàng hữu cơ) cần có xác nhận độc lập. Yêu cầu chứng minh tình hợp chuẩn được đề cập trong nhiều chỉ thị và văn bản pháp luật khác của EU, nhưng những quy định thực tế ở mỗi nước có thể khác nhau. Khi cần kết quả và chứng chỉ kiểm định, chỉ những phòng thí nghiệm và tổ chức cấp chứng chỉ được EU công nhận sẽ được sử dụng. Chứng nhận được cấp bởi một tổ chức được quốc tế công nhận khẳng định khả năng của tổ chức có liên quan và nâng cao độ tin cậy của kết quả kiểm định và chứng chỉ của họ. Nếu các nhà chức trách châu Âu không chấp nhận tài liệu được trình, có thể cần thêm kiểm định và kiểm tra khi hàng đến châu Âu, dẫn đến chậm trễ và tốn kém thêm.