Tình hình thương mại đồ gỗ của Việt Nam năm 2022

  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với thế giới: 17,1 tỷ USD;
  • Thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thế giới: Gỗ và đồ gỗ: 8%; nội thất: 2%;
  • Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGRA) 2017 – 2021: 18,1%;
  • Sản phẩm xuất khẩu chính: đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán/gỗ ghép, viên nén;
  • Các thị trường xuất khẩu chính: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc (chiếm trên 90%);
  • Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU: 645,71 triệu USD;
  • Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các nước Bắc Âu và Latvia: Đồ nội thất: 232,4 triệu USD, gỗ và đồ gỗ: 23,43 triệu USD.

Cam kết EVFTA về thuế quan đối với ngành đồ gỗ và nội thất

  • Đối với các mặt hàng thuộc Chương 44: gỗ và các mặt hàng bằng gỗ, than từ gỗ: (1) khoảng 83% số dòng thuế, hiện EU đang áp dụng mức thuế suất cơ sở từ 0-6%, được EU xóa bỏ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, (ii) 17% số dòng thuế còn lại, nhóm có thuế suất cơ sở từ 7-10% mà EU đang áp dụng, sẽ được xóa bỏ dần đều về 0% trong vòng 6 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;
  • Đối với các mặt hàng thuộc Chương 94: đồ nội thất, bộ đồ giường, đệm, nệm và các đồ dung nhồi tương tự, đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, biển hiệu được chiếu sáng và các loại tương tự, nhà lắp ghép: tất cả các mặt hàng đã được xóa bỏ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với ngành đồ gỗ và nội thất

  • Phổ biến là quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTH) hoặc giới hạn tỷ lệ nguyên liệu không xuất xứ (VL) hàm lượng nguyên liệu không có xuất xứ được tính dựa trên giá xuất xưởng và tỷ lệ áp dụng phổ biến là 70% (tương đương với hàm lượng giá trị khu vực 40% tính trên giá FOB trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia);
  • Một số mặt hàng gỗ nguyên liệu: Áp dụng quy tắc công đoạn gia công cụ thể.

Cam kết về TBT, SPS

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), đồng thời có thêm một số cam kết mới nhằm tăng cường minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản bất lợi không cần thiết:

  • Các cam kết về ghi nhãn hàng hóa;
  • Hợp tác trong việc công nhận các quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên;
  • Hậu kiểm;
  • Đối với Việt Nam: cam kết chấp nhận xuất xứ hàng hóa ghi chung “Made in EU” hoặc ghi rõ xuất xứ từng nước trong EU đối với hàng hóa công nghiệp.

EVFTA không có Chương riêng về môi trường mà nêu thành nhiều điều trong Chương 15 – Thương mại và phát triển bền vững có cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học theo Công ước về đa dạng sinh học và Công ước CITES. Tuy nhiên, đáng chú ý là EVFTA có hẳn một điều riêng trong Chương này về Quản lý rừng bền vững và các sản phẩm từ rừng (Điều 7) trong đó có các cam kết cụ thể và trực tiếp liên quan tới việc chế biến đồ gỗ. Cụ thể, các cam kết sau đây trong EVFTA có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngành chế biến gỗ xuất khẩu:

  • Cam kết khuyến khích thương mại gỗ từ rừng được quản lý bền vững và được khai thác phù hợp với pháp luật nội địa. Cam kết này cũng dẫn chiếu tới việc ký kết VPA/FLEGT. Việt Nam đã ký thỏa thuận song phương FLEGT với EU. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 01/6/2019;
  • Các cam kết về cung cấp thông tin và hợp tác giữa hai Bên về các biện pháp khuyến khích tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng quản lý bền vững, chống lại việc khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Về mặt nguyên tắc, các cam kết này trong EVFTA không buộc Việt Nam thay đổi pháp luật và chính sách trong quản lý khai thác gỗ cũng như thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó có đồ gỗ chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, cần chú ý là trong tương lai, các chính sách về gỗ và thương mại gỗ/sản phẩm gỗ sẽ tăng cường theo hướng thắt chặt hơn, đặc biệt là đối với việc xuất khẩu gỗ sang EUvới việc dẫn chiếu tới VPA/FLEGT (cơ chế quản lý nguồn gốc các sản phẩm gỗ nói chung và gỗ xuất khẩu sang EU nói riêng).

Dự kiến tác động của các cam kết đối với ngành đồ gỗ và nội thất của Việt Nam

Về xuất khẩu

Hiệp định EVFTA dự kiến mở ra nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. EU là một trong năm thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, xuất khẩu đồ gỗ sang EU luôn chiếm tỷ trọng từ 13 – 17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ, giá trị xuất khẩu sang EU luôn ổn định và tăng nhẹ. Thêm vào đó, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam  được xóa bỏ về 0% sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ so với các đối thủ cạnh tranh.

Về nhập khẩu

Ước tính mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu m3 gỗ (tương đương 270 triệu USD) nguyên liệu từ các nước EU, tập trung vào các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán,… Khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0% và một số khác giảm theo lộ trình sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp gỗ chuyển mạnh qua thị trường EU, đưa các sản phẩm gỗ có chất lượng để sản xuất, gia tăng giá trị và đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA thay vì chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Trung Quốc và Thái Lan như hiện nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể dễ dàng hơn trong quá trình mua máy móc, thiết bị, học hỏi công nghệ chế biến gỗ của EU để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình.

EVFTA có nhiều ưu đãi thuế quan của EU dành cho Việt Nam đối với ngành gỗ, tuy nhiên cũng khá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do phải tuân thủ các cam kết khắt khe từ EVFTA. EVFTA giúp các doanh nghiệp gỗ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Trung Quốc,… Do vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường EU hơn, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cơ hội tại thị trường Bắc Âu và Latvia

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và Latvia gỗ và sản phẩm gỗ là 34,21 triệu USD – chiếm khoảng 0,5%; đồ nội thất là 232,4 triệu USD – chiếm khoảng 1,1% tổng xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam đi thế giới.

Nhập khẩu đồ nội thất của Bắc Âu và Latvia liên tục tăng qua các năm từ 9,5 tỷ USD năm 2018 lên 11,4 tỷ USD năm 2022; đối với sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ, Bắc Âu và Latvia cũng nhập khẩu tăng liên tục qua các năm từ 7,0 tỷ USD năm 2018 lên 8,3 tỷ USD năm 2022. Tốc độ nhập khẩu trung bình hàng năm đối với gỗ và sản phẩm gỗ là 5,6%; đối với đồ nội thất là 5,2%.

Trong năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Bắc Âu và Latvia chiếm khoảng 0,41% và đồ nội thất chiếm khoảng 2,03%. Con số này khá nhỏ so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu đồ mộc dùng trong xây dựng và gỗ tự nhiên dạng khúc và gỗ đã cưa hoặc xẻ với trị giá nhập khẩu và thị phần nhập khẩu năm 2022 lần lượt là 1,61 tỷ USD – 19,4% và 1,55 tỷ triệu USD – 18,7%. Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu rất nhiều đi thế giới.

Đối với nhóm hàng nội thất, Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng; Ghế ngồi và đèn bàn với trị giá nhập khẩu và thị phần nhập khẩu năm 2022 lần lượt là 4,26 tỷ USD – 37,3%; và 2,84 tỷ USD – 24,9%. Đây cũng là các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Bắc Âu và Latvia và cũng là các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều đi thế giới.

Về đối thủ cạnh tranh, đối với gỗ và sản gỗ, Bắc Âu và Latvia là những quốc gia xuất khẩu. Các nước này cũng nhập khẩu nhưng chủ yếu nhập khẩu qua lại lẫn nhau và từ một số nước khác như Đức, Estonia, Ba Lan… Các quốc gia khác xuất khẩu vào khu vực này không đáng kể, nhiều nhất trong khu vực châu Á là Trung Quốc cũng chỉ chiếm khoảng 2% thị phần.

Đối với đồ nội thất, Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 25% tổng nhập khẩu của Bắc Âu và Latvia. Bắc Âu và Latvia cũng nhập khẩu nhiều từ nội khối như Estonia, Ba Lan, Lithuania. Nếu xét trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng sau Trung Quốc với thị phần khoảng 2% mỗi năm. Ngoài ra còn có mốt số đối thủ khác như Ấn Độ, Indonesia với thị phần trung bình 1% mỗi năm.

Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Bắc Âu và Latvia đã tăng lên đáng kể kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Dự kiến trong thời gian tới, các sản phẩm gỗ, đồ gỗ và nội thất của Việt Nam được giảm thuế theo lộ trình sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường này.