Cam kết về thuế quan của EU đối với một số nông sản, thực phẩm, và đồ uống Việt Nam

Gạo và các sản phẩm từ gạo

Gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ thông qua cơ chế hạn ngạch thuế quan, trong đó, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch sẽ được hưởng mức thuế 0%.

  • EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó lượng hạn ngạch đối với từng loại gạo cụ thể như sau:
Loại gạo Thuế cơ sở Lượng hạn ngạch (tấn)
Gạo chưa xay xát 65 đến 211 Euro/tấn 20.000
Gạo xay xát 175 Euro/tấn 30.000
Gạo thơm 65 đến 211 Euro/tấn 30.000

Khối lượng trên là khá lớn so với lượng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang EU trong thờigian vừa qua.

  • Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm;
  • Sản phẩm từ gạo: Xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.

Rau quả

  • Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…);
  • 24 dòng thuế (chiếm 4,4%) chịu áp thuế “giá nhập cảnh” (entry price) (gồm nhóm dưa chuột tươi và ướp lạnh, chanh…);
  • 08 dòng thuế áp hạn ngạch (chủ yếu ở một số sản phẩm trong nhóm nấm chi agaricus, ngô ngọt…);
  • 01 dòng thuế duy trì thuế nhập khẩu.

Một số mặt hàng nông sản khác

Mặt hàng Thuế cơ sở Lộ trình xóa bỏ thuế
Cà phê 0-11,5% Xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực
Hạt tiêu 0-4% Xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực
Hạt điều 0% Xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực
Mật ong tự nhiên 17,3% Xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực

Các sản phẩm thịt

  • Loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với các dòng thuế đối với động vật sống, thịt trâu bò, thịt lợn;
  • Loại bỏ thuế trong vòng 7 năm (một vài trường hợp là 5 năm) đối với các sản phẩm từ gia cầm và một vài sản phẩm chế biến từ bò và lợn.

Đồ uống

Đối với đồ uống, mức cam kết rộng rãi hơn, với phần lớn các dòng sản phẩm sẽ loại bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số ít có lộ trình chủ yếu là 8 năm, không có trường hợp giữ hạn ngạch.

  • EU cam kết loại bỏ thuế dần trong 08 năm đối với các sản phẩm rượu Vermouth, rượu vang làm từ nho tươi đã pha thêm hương vị (trừ trường hợp chai trên 2 lít và độ rượu trên 18%); rượu Rum, rượu mạnh cất từ mật mía…
  • Tất cả các sản phẩm còn lại (258 dòng thuế, chiếm 93,5%), EU cam kết loại bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Các mặt hàng được hưởng hạn ngạch thuế quan của EU

Mặt hàng Mã HS

(Biểu thuế của EU)

Lượng HNTQ Lưu ý
Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm 0408.11.80; 0408.19.81

0408.19.89; 0408.91.80

0408.99.80

500 tấn  
Tỏi 0703.20.00 400 tấn  
Ngô ngọt 0710.40.00A; 2001.90.30A;

2005.80.00A

5.000 tấn Lượng hạn ngạch thuế quan không bao gồm tổng lượng hàng hóa có xuất xứ được phân loại theo dòng thuế 0710.40.00B, 2001.90.30B và 2005.80.00B
Gạo Gạo đã xát:

1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

20.000 tấn  
Gạo đã xay:

1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.98

1006.30.67; 1006.30.92

1006.30.94; 1006.30.96

30.000 tấn  
Gạo đã xay:

1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.67

1006.30.92; 1006.30.94

1006.30.96; 1006.30.98

30.000 tấn Gạo phải thuộc một trong số các loại gạo thơm sau:

(a)  Hoa nhài 85

(b)  ST 5, ST 20

(c)   Nàng Hoa 9

(d)  VD 20

(e)   RVT

(f)   OM 4900

(g)  OM 5451

(h)  Tài Nguyên Chợ Đào

 

Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các loại gạo được nêu trên.

Tinh bột sắn 1108.14.00 30.000 tấn  
Cá ngừ 1604.14.11; 1604.14.18

1604.14.90; 1604.19.39

1604.20.70

11.500 tấn  
Surimi 1604.20.05 500 tấn  
Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao Đường thô:

1701.13.10; 1701.13.90

1701.14.10; 1701.91.00

1701.99.10; 1701.99.90

1702.30.50; 1702.90.50

1702.90.71; 1702.90.75

1702.90.79; 1702.90.95

1806.10.30; 1806.10.90

20.000 tấn  
Đường đặc biệt 1701.14.90 400 tấn  
Nấm 0711.51.00; 2001.90.50

2003.10.20; 2003.10.30

350 tấn  
Ethanol 2207.10.00; 2207.20.00 1.000 tấn  
Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác 2905.43.00; 2905.44.11

2905.44.19; 2905.44.91

3505.10.10; 3505.10.90

3824.60.19

2.000 tấn  

Quy tắc xuất xứ đối với thực phẩm, và đồ uống trong EVFTA

Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA (áp dụng cho cả hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam và Việt Nam xuất khẩu đi EU), hàng hóa là thực phẩm, đồ uống phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ riêng khá chặt:

  • Nhiều trường hợp phải là xuất xứ thuần túy (nuôi, trồng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn trên lãnh thổ nước xuất khẩu);
  • Có thêm các hạn chế liên quan tới tỷ trọng một số thành phần (đường, nguyên liệu từ động vật…).

Quy định về xuất xứ đối với thực phẩm, đồ uống trong EVFTA

Tên mặt hàng Điều kiện nguồn gốc xuất xứ
Ngũ cốc Nguyên liệu ngũ cốc dùng trong sản xuất thực phẩm phải có xuất xứ thuần túy.
Các sản phẩm xay xát; malt; tinh bột; insulin; gluten lúa mì Các nguyên liệu sau đây phải có nguồn gốc xuất xứ thuần túy:

–    Ngũ cốc (chương 10);

–    Các sản phẩm xay xát, tinh bột (chương 11);

–    Khoai tây và sắn (chương 7);

–    Các phế liệu từ quá trình sản xuất tinh bột (HS 2303).

Chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa; các loại bánh Không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra, và:

–    Tổng trọng lượng nguyên liệu thịt, cá, chế phẩm thịt cá trong sản phẩm ≤ 20% trọng lượng sản phẩm;

–    Tổng trọng lượng nguyên liệu gạo, các sản phẩm xay xát, tinh bột ≤ 20% trọng lượng sản phẩm;

–    Trọng lượng của từng nguyên liệu là sản phẩm động vật (bơ, trứng sữa) ≤ 20% trọng lượng sản phẩm;

–    Trọng lượng đường được sử dụng ≤ 40% trọng lượng sản phẩm;

–    Tổng trọng lượng đường và các sản phẩm từ động vật ≤ 50% trọng lượng sản phẩm.

Rau củ quả và các sản phẩm từ rau củ quả –    Quy tắc xuất xứ thuần túy đối với rau củ quả nguyên liệu;

–    Trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm từ rau của quả không được vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Nước ép trái cây –    Không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra; và

–    Trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Chế phẩm từ cà phê và chè –    Không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra; và

–    Trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm.

Rượu và bia –    Không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra, không sản xuất từ các sản phẩm rượu mạnh không xuất xứ thuộc nhóm 2207 và 2208; và

–    Nguyên liệu nho tươi, nước ép từ nho phải có nguồn gốc xuất xứ thuần túy;

–    Tổng trọng lượng đường và các nguyên liệu sản phẩm từ động vật (chương 4) ≤ 20% trọng lượng sản phẩm.

 Một số cam kết khác

Cam kết về TBT/SPS

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết hợp tác, minh bạch hóa, công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).

EVFTA không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT, SPS đối với thực phẩm, đồ uống ngoại trừ các cam kết về ghi nhãn hàng hóa (áp dụng chung cho mọi loại sản phẩm, rất quan trọng với nhóm thực phẩm, đồ uống).

Vì vậy, về cơ bản:

  • EU và Việt Nam sẽ tiếp tục giữ quyền chủ động trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp TBT, SPS (ngoại trừ một số ràng buộc về quy định TBT đối với việc ghi nhãn);
  • Có nhiều cơ hội hơn trong việc công nhận tương đương giữa EU và Việt Nam đối với các biện pháp SPS của mỗi bên;
  • Việc ban hành và thực thi các biện pháp TBT sẽ được minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu.

Về cơ bản thì các cam kết này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tham gia ý kiến và tuân thủ các quy định TBT, SPS của Việt Nam và EU. Tuy nhiên, mức tác động nói chung với hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm, đồ uống của các cam kết này là không lớn.

Riêng trường hợp các cam kết về ghi nhãn, dự kiến các cam kết này khi được thực hiện sẽ có tác động rất tích cực, hạn chế rủi ro và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu (do hiện các quy định về ghi nhãn đang là vướng mắc rất lớn của thực phẩm, đồ uống xuất khẩu bởi chúng rất phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian).

Ngoài ra, còn một số nội dung mới tạo thuận lợi thương mại cho hai bên:

  • Danh sách doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu: mỗi bên thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm kèm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên kia;
  • Công nhận tương đương: rút ngắn thời hạn xem xét công nhận tương đương là 3 tháng so với quy định của WTO (6 tháng) kể từ thời điểm nhận được đề nghị;
  • Quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng: Việt Nam được chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: (i) EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp SPS này; (ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận; và (iii) EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam dần đáp ứng được biện pháp SPS này.

Cam kết về chỉ dẫn địa lý

EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm, nông sản, thủy sản như:

  • Nước mắm Phú Quốc
  • Hoa hồi Lạng Sơn
  • Trà Tân Cương
  • Quế Văn Yên
  • Hạt dẻ Trùng Khánh
  • Bưởi Tân Triều
  • Bưởi Bình Minh
  • Sò Quảng Ninh
  • Thanh long Bình Thuận
  • Nho Ninh Thuận
  • Trà Mộc Châu
  • Vải Thanh Hà
  • Gạo Hồng Dân
  • Mắm tôm Hậu Lộc
  • Mãng cầu Bà Đen
  • Hồng Bảo Lâm
  • Mực Hạ Long
  • Gạo Điện Biên
  • Cà phê Buôn Mê Thuột
  • Nước mắm Phan Thiết
  • Vải Lục Ngạn
  • Hồng Bắc Cạn
  • Cói Nga Sơn
  • Quýt Bắc Cạn
  • Muối Bạc Liêu
  • Vú sữa Vĩnh Kim
  • Chuối Đại Hoàng
  • Mai Yên Tử
  • Bưởi Đoan Hùng
  • Gạo Hải Hậu
  • Xoài Hòa Lộc
  • Bưởi Phúc Trạch
  • Quế Trà My
  • Xoài Yên Châu
  • Bưởi Luận Văn
  • Cam Cao Phong
  • Gạo Bảy Núi

Dự kiến tác động đối với ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam

Về xuất khẩu

Mặc dù so với các ngành khác, mức cam kết mở cửa của EU đối với thực phẩm là tương đối hạn chế nhưng các thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh và các loại đồ uống thì phần lớn đã được cam kết loại bỏ thuế ngay (trong khi mức thuế MFN hiện tại mà EU đang áp dụng là tương đối cao).

Các cam kết khác trong EVFTA tuy không có tác động trực tiếp nhưng được đánh giá là ảnh hưởng tích cực tới môi trường xuất khẩu thực phẩm, đồ uống của Việt Nam sang EU.

Trong khi đó, hiện tại, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, đồ uống của Việt Nam sang EU còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm 0,1% trong tổng nhu cầu của EU, 4% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Việt Nam ra thế giới. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tiềm năng thị trường EU rất rộng mở.

Vì vậy, cam kết trong EVFTA của EU đang mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành nông thủy sản, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam, cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).

Về nhập khẩu

Khi EVFTA có hiệu lực, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống, máy móc thiết bị công nghiệp thực phẩm từ EU tác động tới sản xuất thực phẩm, đồ uống Việt Nam theo hai hướng:

  • Gia tăng áp lực cạnh tranh: Chủ yếu đối với các sản phẩm mà EU có thế mạnh như sữa, pho mát, bánh kẹo, rượu vang… Tuy nhiên, đối với nhóm này, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh về giá. Hơn nữa, lộ trình giảm thuế đối với nhóm này cũng tương đối dài, đủ để doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó;
  • Cung cấp nguyên liệu giá hợp lý, máy móc thiết bị hiện đại chất lượng tốt giá thành hợp lý hơn cho sản xuất trong nước.

Vì vậy, về cơ bản, tác động của EVFTA đối với ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam từ góc độ nhập khẩu cũng vẫn là tích cực, mang lại cơ hội hiện đại hóa sản xuất, giảm giá thành sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Bắc Âu

Các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, kim ngạch các mặt hàng này của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu còn khá khiêm tốn.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ hội mở rộng thị phần các mặt hàng thực phẩm, đồ uống của Việt Nam tại khu vực này là lớn do 4/6 nước trong khu vực là thành viên của EU. Ngoài ra, khi thuế nhập khẩu về 0%, hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, Thái Lan về giá, và cạnh tranh được với hàng của Campuchia, Myanmar (cùng được hưởng thuế bằng 0%) về chất lượng.

Ví dụ, hiện thuế suất mà EU đang áp lên gạo Việt Nam lên đến 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với thóc. Chính vì vậy lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Âu nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng là không đáng kể do gạo Việt Nam không cạnh tranh được với gạo Thái Lan, Hoa Kỳ, và Úc được phân bổ hạn ngạch thuế quan lớn, và không cạnh tranh được với gạo của Campuchia và Myanmar hưởng thuế 0% (mới bị đánh thuế tạm thời từ 2019-2021 do bị một số nước EU kiện nhưng thuế vẫn thấp hơn Việt Nam). Nhưng theo cam kết EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%. Riêng mặt hàng tấm sẽ không còn hạn ngạch nữa và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm sẽ là một cơ hội để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường này.

Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Bắc Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Phần lớn các mặt hàng này hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%, sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Do đó, mức cam kết này sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam để cạnh tranh vớiThái Lan, Trung Quốc.

Một số sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường kỹ tính này khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản chất lượng cao như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade… trong khi khu vực Bắc Âu rất chuộng thực phẩm hữu cơ.

Đối với cam kết chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường khu vực này như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…

Tại khu vực Bắc Âu, Việt Nam là nước ASEAN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nên có sẵn lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, hiện chỉ có Singapore có FTA với EU nhưng mặt hàng xuất khẩu của Singapore không giống Việt Nam nên Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng so với các nước trong khu vực.