Thủ tục hải quan

Khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên của EU, hàng hoá sẽ được đưa vào kho tạm giữ, có sự giám sát của hải quan (không quá 90 ngày) để nhà nhập khẩu làm các thủ tục hải quan.

Hàng hoá được thông quan khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu về nhập khẩu và nộp thuế đầy đủ.

Theo qui định của EU, khi làm các thủ tục hải quan, người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ theo qui định cùng hàng hoá.

Những chứng từ cơ bản cần xuất trình bao gồm:

  • Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, điều khoản thanh toán, điều khoản giao hàng, phương tiện vận chuyển;
  • Tờ khai hải quan: áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20.000 Euro. Tờ khai hải quan theo mẫu và phải đi kèm Văn bản hành chính đơn (SAD);
  • Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại;
  • Phiếu đóng gói: là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng. Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường;
  • Giấy chứng nhận xuất xứ: đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A);
  • Giấy phép nhập khẩu: đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hoá chất, dược phẩm;
  • Giấy chứng nhận vệ sinh: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Chứng từ nhập khẩu: đối với hàng phi nông sản;
  • Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.

Cơ quan Hải quan Đan Mạch chịu trách nhiệm làm các thủ tục thông quan hàng hoá khi nhập khẩu vào Đan Mạch. Thông tin liên hệ:

Toldstyrelsen (Customs Agency)
Slet Parkvej 1, DK-8310 Tranbjerg J
(+45) 72 22 12 12
[email protected]

Qui định về chứng từ nhập khẩu

Các mặt hàng cấm nhập khẩu

Một số mặt hàng cấm nhập khẩu như:

  • Một số loại hóc môn bê của Mỹ;
  • Tất cả các sợi amiăng;
  • Tất cả các sản phẩm có chứa chất diệt khuẩn dimethylfumarate (DMF);
  • Cá ngừ đỏ vùng Đại Tây Dương có nguồn gốc từ Belize, Panama và Honduras;
  • Tẩy cao su có hình dáng tương tự như thực phẩm có thể ăn được;
  • Đồ chơi và trò chơi chứa sunfat đồng;
  • Hạt giống.

Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu

  • Xác người, các cơ quan và bộ phận cơ thể người, phôi người và động vật, hài cốt người hoặc đã thiêu hoặc chưa được mai táng;
  • Chất nổ;
  • Súng cầm tay, vũ khí các loại và các bộ phận có liên quan;
  • Động vật sống (bao gồm cả côn trùng) ngoại trừ được cơ quan chuyên trách về động vật sống cho phép;
  • Thực vật và nguyên liệu thực vật gồm cả hoa;
  • Chất thải nguy hiểm như kim tiêm hoặc ống tiêm đã qua sử dụng hoặc chất thải y tế khác;
  • Hàng hóa nguy hiểm ngoại trừ được phép của Cơ quan quản lý hàng hoá nguy hiểm.

Tạm nhập

Đan Mạch tuân thủ ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập ra nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa tạm nhập sau:

  • Hàng mẫu có giá trị thương mại;
  • Hàng hóa dùng để tham gia hội chợ, triển lãm;
  • Phim;
  • Thiết bị chuyên dụng;
  • Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành.

Cơ quan cấp giấy phép ATA của Đan Mạch là Phòng Thương mại Đan Mạch.

Nhập khẩu hàng mẫu và tài liệu quảng cáo

Đan Mạch tham gia Công ước quốc tế về tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng mẫu và tài liệu quảng cáo. Hàng mẫu không có giá trị thương mại có thể miễn thuế nhập khẩu vào Đan Mạch nếu:

  • Có giá trị không đáng kể (45 Euro hoặc ít hơn);
  • Do yêu cầu của đơn đặt hàng cần phải có hàng mẫu;
  • Mỗi kiểu dáng hay chất lượng hàng mẫu chỉ được phép có 1 mẫu;
  • Hàng mẫu được cung cấp trực tiếp từ nước ngoài;
  • Hàng mẫu sẽ được sử dụng hoặc huỷ trong quá trình sử dụng và được đóng gói, đánh dấu đúng cách nhằm phòng ngừa việc chúng sẽ được sử dụng ngoài mục đích làm hàng mẫu;
  • Một số hàng mẫu có giá trị thương mại có thể nhập khẩu vào Đan Mạch và được miễn thuế nếu đóng tiền bảo đảm hoặc tiền đặt cọc bằng tổng giá trị nộp thuế. Các hàng mẫu này phải được tái xuất trong vòng một năm thì mới được thu hồi tiền đặt cọc.