Tình hình thương mại dệt may của Việt Nam năm 2022

  • Kim ngạch xuất khẩu dệt may với thế giới: 44,5 tỷ USD;
  • Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam trên thế giới: 6,7%, là một trong 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2022, đứng thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh;
  • Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGRA) 2018 – 2022: 8,1%;
  • Sản phẩm xuất khẩu chính: Hàng may mặc, xơ, sợi;
  • Các thị trường xuất khẩu chính: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc;
  • Xuất khẩu dệt may sang EU: 4,46 tỷ USD;
  • Xuất khẩu dệt may sang các nước Bắc Âu và Latvia: 386,7 triệu USD.

Cam kết EVFTA về thuế quan đối với dệt may

Trong EVFTA, EU cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng dệt may Việt Nam như sau:

  • Loại bỏ ngay 42,5% số dòng thuế nhập khẩu, có thuế suất cơ sở từ 8-12%, ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng này chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may (thuộc các Chương 50-59), các loại hàng dệt kim và móc Chương 60), và một số ít loại trong các nhóm sản phẩm may mặc thuộc Chương 61-63 (như bộ đồ vest hoàn chỉnh, đồ ngủ nữ, áo len trẻ em, đồ bơi, chăn, rèm cửa, túi xách hoặc túi đựng bằng vải…);
  • Các sản phẩm còn lại loại bỏ thuế nhập khẩu dần từ mức thuế MFN trung bình là 12% hiện nay xuống 0% trong thời hạn từ 3 đến 7 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Phần lớn là các sản phẩm may mặc và sản phẩm tương tự thuộc các Chương 61, 62, 63.

Lộ trình cam kết giảm thuế cho một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU

HS tả GSP

(%)

Lộ trình EVFTA
6201 Áo khoác ngoài, áo choàng cho nam giới hoặc trẻ em trai 9,6 B7
trừ 6201.93

 

Loại khác – Từ sợi nhân tạo

 

B5
6204 Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái 9,6 Đa số A
trừ 6204.13 Bộ com lê

từ sợi tổng hợp

B5
6204.32/33 Áo jacket/blazer từ bông/sợi tổng hợp
6204.39 Áo jacket/blazer từ các vật liệu dệt khác B3
6203 Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer cho nam giới hoặc trẻ em trai 9,6 Đa số B5
trử 6203.19 Bộ com lê từ bông/ xơ tái tạo/

vật liệu dệt khác

A
6203.31 Áo jacket/

blazer từ len

6203.49 Quần từ xơ tái tạo B3
6203.11/12 Bộ com lê từ len/

sợi tổng hợp

B7
6202 Áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái 9,6 Đa số B7
trừ 02.12.90/ 6202.13.90 từ bông/sợi nhân tạo có trọng lượng trên 1kg tính trên quần áo B5
6109 Áo phông, áo may ô và các loại áo lót khác, dệt kim hoặc móc 9,6 B5
6110 Áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gi-lê và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc 9,6 B5
6104 Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazers cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc 9,6 Đa số A
trừ 6104.43 Váy từ sợi tổng hợp B3
6104.63 Quần dài từ sợi tổng hợp
6104.33 Áo Jacket/blazer từ sợi tổng hợp B5
6104.53 Chân váy từ sợi tổng hợp
6210 Quần áo may từ các loại vải thuộc nhóm 5602, 5603, 5903, 5906 hoặc 5907 9,6 B5
6307 Các mặt hàng đã hoàn thiện khác, kể cả mẫu cắt may 5-9,6 A
6205 Áo sơ mi nam giới hoặc trẻ em trai 9,6 Đa số B7
trừ 6205.20 từ bông B5

(Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam)

Cam kết thuế dệt may

Cam kết EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may

EVFTA quy định về các điều kiện quy tắc xuất xứ mà hàng hóa phải tuân thủ để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được coi là có xuất xứ theo EVFTA thì:

  • Vải sử dụng để tạo thành sản phẩm phải có xuất xứ Việt Nam/EU; và
  • Việc cắt, may phải được thực hiện tại Việt Nam/EU.

Tuy nhiên, EVFTA có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp cho phép vải có xuất xứ Hàn Quốc hoặc một nước thứ ba cùng có FTA với Việt Nam và EU được coi như có xuất xứ theo EVFTA (Hàn Quốc là nước duy nhất hiện có cả FTA với Việt Nam và EU).

EVFTA cho phép chia nhỏ lô hàng trong trường hợp quá trình vận chuyển hàng hóa có quá cảnh qua nước thứ ba không phải thành viên với điều kiện hàng hóa vẫn nằm dưới sự giám sát của hải quan. Đây là Hiệp định FTA thứ hai cùng với CPTPP cho phép doanh nghiệp thực hiện việc này. Quy định này rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu, họ có thể đưa các trung tâm phân phối lớn chia nhỏ giao hàng theo các thời điểm mùa vụ phù hợp.

Cam kết về hàng rào kỹ thuật (TBT) đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT); không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT có thể ảnh hưởng tới dệt may ngoại trừ:

  • Các cam kết về ghi nhãn hàng hóa;
  • Hợp tác trong việc công nhận các quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên;
  • Hậu kiểm;
  • Đối với Việt Nam: cam kết chấp nhận xuất xứ hàng hóa ghi chung “Made in EU” hoặc ghi rõ xuất xứ từng nước trong EU đối với hàng hóa công nghiệp (trong đó có dệt may).

Như vậy, về cơ bản, khi EVFTA có hiệu lực, EU và Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chủ động trong việc áp dụng các biện pháp TBT đối với hàng nhập khẩu như hiện tại. Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sẽ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của bên nhập khẩu như trước đây.

Các nhóm yêu cầu kỹ thuật chủ yếu đối với hàng dệt may của EU hiện nay

  • Nhóm yêu cầu về hóa chất trong thành phần sản phẩm (các loại vải, sợi, quần áo và các phụ kiện dệt may đều có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau như thuốc nhuộm, thuốc tẩy…);
  • Nhóm yêu cầu về quy trình sản xuất (xử lí nguyên liệu và các chất thải độc hại sinh ra từ quá trình trồng nguyên liệu, sản xuất vải, chế biến vải hoàn thiện, các quá trình dệt, nhuộm, in ấn…);
  • Nhóm yêu cầu về quy cách đóng gói, bảo quản, ghi nhãn sản phẩm.

Dự kiến tác động của các cam kết thuế quan đối với ngành dệt may Việt Nam

Về xuất khẩu

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Hiện tại, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc ít xuất khẩu vào EU (ví dụ nguyên liệu dệt may). Do đó, Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sơ xợi nếu tìm kiếm được khách hàng EU sẽ được hưởng lợi từ các cam kết này (bởi mức thuế MFN mà EU đang áp dụng là khoảng 6-8%).

EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia (tạm thời bị cắt ưu đãi thuế, trở về 12% từ 12/8/2020), Bangladesh… nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.

Đối với nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình bao gồm phần lớn các sản phẩm may mặc mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU:

  • Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 9% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP;
  • Khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.

Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm may mặc Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu không được hưởng lợi từ EVFTA ngay. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể từ EVFTA bởi:

  • Các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định (trong khi GSP thì biến động tùy vào quyết định mỗi năm của EU), không phụ thuộc vào tỷ trọng trong tổng nhập khẩu vào EU, và giảm dần xuống 0%;
  • Phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.

Trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu hàng may mặc vào EU đang ngày càng gay gắt, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, với điều kiện doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ.

Về nhập khẩu

Việt Nam ít nhập khẩu các sản phẩm dệt may từ EU (trừ một số dòng sản phẩm cao cấp), vì vậy cơ bản các cam kết loại bỏ thuế đối với sản phẩm này sẽ ít có tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa.

Trong tổng thể, các doanh nghiệp dệt may có thể được hưởng lợi từ cam kết mở cửa của Việt Nam trong EVFTA đối với lĩnh vực dệt may:

  • Với các cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các nguyên phụ liệu từ EU, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các nguyên liệu dệt may (đặc biệt là các chất liệu mới mà EU có thể có thế mạnh). Việc sử dụng nguyên phụ liệu dệt may, da giày của EU sẽ góp phần tăng hàm lượng giá trị nội địa của các sản phẩm dệt may mà Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang EU. Từ đó, khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khi vào thị trường EU cũng cao hơn;
  • Với các cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị ngành may từ EU, doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị từ EU (đặc biệt là các loại sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới) với giá hợp lý, tạo cơ hội phát triển sản xuất, đặc biệt theo hướng hàng chất lượng cao.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Bắc Âu

Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 386,7 triệu USD hàng dệt may sang thị trường các nước Bắc Âu và Latvia, chiếm 0,8% tổng thị phần xuất khẩu hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.

Trong khi đó, hàng năm các nước Bắc Âu và Latvia nhập khẩu hàng may mặc khá lớn, tương đối ổn định qua các năm và tăng mạnh trong năm 2022, đạt 17,9 tỷ USD. Tăng trưởng nhập khẩu hàng may mặc trong vòng 5 năm qua đạt trung bình khoảng 6,4%/năm. Thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tại thị trường Bắc Âu và Latvia mới chỉ chiếm 2,2% trong tổng nhập khẩu hàng may mặc của khu vực này, do vậy, còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Các nước Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu các nhóm sản phẩm: Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc với trị giá nhập khẩu năm 2022 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng nhập khẩu các sản phẩm may mặc của Bắc Âu và Latvia, tiếp theo là nhóm hàng Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc với trị giá nhập khẩu năm 2022 đạt 7,5 tỷ USD, chiếm khoảng trên 42,0%, sau đến là nhóm hàng Các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác; bộ vải; quần áo và các loại hàng dệt đã qua sử dụng khác với trị giá nhập khẩu năm 2022 đạt 2,09 tỷ USD và chiếm khoảng 11,7%.

Về đối thủ cạnh tranh, nếu không tính nhập khẩu nội khối, trong số các quốc gia ở châu Á, trong năm 2022, Trung Quốc hiện vẫn đang dẫn đầu trong danh sách các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Bắc Âu và Latvia với trị giá xuất khẩu may mặc năm 2022 là 4,9 tỷ USD – chiếm 27,7% tổng nhập khẩu dệt may của Bắc Âu và Latvia. Đứng thứ hai là Bangladesh với trị giá xuất khẩu và thị phần xuất khẩu năm 2022 tương ứng lần lượt là 2,4 tỷ USD và 13,8%. Tiếp đó là Ấn Độ, đứng thứ 6 với trị giá 737 triệu USD và thị phần là 4,1%. Pakistan đứng thứ 10, đạt 515 triệu USD và 2,9%. Việt Nam đứng 12, đạt 386,7 triệu USD và 2,2%. Ngoài ra, còn có một số đối thủ cạnh tranh khác là Myanmar, Campuchia và Indonesia.

Trước khi có Hiệp định EVFTA, hàng dệt may Việt Nam khó cạnh tranh được với các đối thủ tại khu vực này. Đối với các quốc gia châu Á xuất khẩu hàng dệt may vào Bắc Âu và Latvia thì riêng Trung Quốc đã chiếm trên 27% thị phần. Bangladesh, Campuchia, và Pakistan đều có lợi thế về thuế hơn so với Việt Nam. Bangladesh và Campuchia được miễn thuế theo chương trình EBA của EU, Pakistan được hưởng GSP+, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng GSP thông thường ở mức 9,6%. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam. Nhiều mặt hàng dệt may đã được giảm thuế về 0% ngay lập tức khi Hiệp định có hiệu lực và một số sản phẩm được giảm thuế theo lộ trình về 0% trong 3 -7 năm. Đây là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang khu vực. này.

Về thị hiếu người tiêu dùng, các nước Bắc Âu với đặc điểm là dân số ít, đơn hàng nhỏ, nhưng thu nhập cao, đầu tư khá nhiều thu nhập vào các sản phẩm dệt may như quần áo, chăn, ga, rèm cửa, đồ trang trí.

Đặc trưng của thị trường dệt may khu vực Bắc Âu là khí hậu thay đổi rõ rệt theo mùa. Khí hậu thay đổi ảnh hưởng đến xu hướng thời trang và trang trí nhà cửa. Thị trường may mặc cũng thay đổi nhanh chóng theo xu hướng thời trang.

Mặc dù thời tiết rất lạnh và kéo dài vào mùa đông, mùa thu và mùa xuân vẫn còn lạnh, và chỉ ấm vào mùa hè, người dân Bắc Âu vẫn ưa thích các hoạt động ngoài trời. Do vậy, họ cần nhiều quần áo mặc ấm, cũng như quần áo cho các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời. Tuy nhiên, khi vào trong nhà, hệ thống sưởi làm cho không khí trong nhà nóng ấm, nên mọi người sẽ cần thay đổi quần áo cho phù hợp. Như vậy, có thể nói, các nước Bắc Âu tiêu thụ rất nhiều hàng dệt may, phong phú, đa dạng về chủng loại.

Ngoài ra, tuy dân số ít, thị trường tiêu thụ nội địa nhỏ, nhưng các nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển và Đan Mạch có những thương hiệu thời trang toàn cầu nên ngoài việc cung cấp cho thị trường nội địa, nhập khẩu hàng dệt may còn để phân phối cho hệ thống bán lẻ của họ trên toàn thế giới.