Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký sắc lệnh chấm dứt quy định miễn thuế đối với các bưu kiện giá trị thấp từ Trung Quốc và Hồng Kông, chấm dứt lợi thế lâu nay giúp các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein phát triển mạnh mẽ tại thị trường Mỹ.
Sắc lệnh mới, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/5, xoá bỏ quy định “de minimis” — vốn cho phép miễn thuế cho các gói hàng có giá trị dưới 800 USD). Quy định này đã giúp khoảng 4 triệu bưu kiện giá trị thấp, chủ yếu từ Trung Quốc, được chuyển tới Mỹ mỗi ngày mà không bị đánh thuế.
Các chính trị gia, cơ quan thực thi pháp luật và các nhóm doanh nghiệp tại Mỹ từ lâu đã coi quy định này là kẽ hở thương mại, không chỉ giúp hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ mà còn tạo điều kiện cho các loại hàng giả và ma tuý bất hợp pháp xâm nhập.
Ngoài việc bãi bỏ quy định miễn thuế, chính quyền Tổng thống Trump còn áp thuế suất 30% hoặc 25 USD cho mỗi bưu kiện từ Trung Quốc, mức này sẽ tăng lên 50 USD từ ngày 1/6 tới, theo thông báo từ Nhà Trắng. Các hãng vận chuyển thương mại như FedEx và UPS sẽ phải báo cáo chi tiết lô hàng và nộp các khoản thuế cho Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ.
Hiện mức thuế tổng cộng dành cho hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã lên tới ít nhất 54%.
Những người ủng hộ quy định miễn thuế lo ngại rằng việc xoá bỏ quy định này sẽ đẩy giá thành lên cao và gây khó khăn cho người tiêu dùng thu nhập thấp cũng như các doanh nghiệp nhỏ.
Shein và Temu — hai nền tảng đang bùng nổ nhờ tận dụng quy định này — hiện đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mỹ. Tuy nhiên, mức độ tác động thực tế vẫn chưa rõ ràng, vì cả hai đã có bước chuẩn bị, như xây dựng kho hàng tại Mỹ để giao hàng nhanh hơn. Shein gần đây đã mở trung tâm hậu cần tại khu vực Seattle. Tuy nhiên, cả hai công ty từ chối bình luận về động thái mới của Mỹ.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của nền tảng kiểm định kỹ thuật số Publican, ông Ram Ben Tzion, nhận định rằng các doanh nghiệp này sẽ buộc phải “xem xét lại chiến lược kinh doanh và có thể cân nhắc rút khỏi thị trường Mỹ.”
FedEx cũng cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng thích nghi với quy định mới, đồng thời khuyến nghị các đơn vị vận chuyển hoàn tất đầy đủ giấy tờ trước khi giao nhận để đảm bảo thông suốt.
Ông Hilton Beckham, đại diện của Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, khẳng định cơ quan này đã sẵn sàng thực thi các mức thuế mới với hệ thống tự động hoá đã được cập nhật đầy đủ và hướng dẫn chi tiết sẽ được ban hành để đảm bảo thực hiện nhất quán trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Ben Tzion bày tỏ hoài nghi về khả năng xử lý khối lượng khổng lồ của các lô hàng giá trị thấp sẽ bắt đầu bị đánh thuế từ tháng tới.
Phía Hồng Kông cho biết, dịch vụ bưu chính tới Mỹ sẽ vẫn được duy trì tạm thời cho tới ngày 2/5, nhưng họ sẽ “không thu bất kỳ khoản thuế nào thay mặt cho chính quyền Mỹ.”
Sự bùng nổ hàng giá rẻ
Năm 2023, lần đầu tiên số lượng bưu kiện loại này vượt mốc 1 tỷ, so với chỉ 134 triệu vào năm 2015. Cuối năm ngoái, Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ cho biết họ xử lý khoảng 4 triệu bưu kiện giá trị thấp mỗi ngày.
Shein và Temu với mức giá rẻ bất ngờ đã gây sức ép đáng kể lên các hãng thời trang nhanh truyền thống như Forever 21 và H&M. Forever 21 thậm chí đã phải nộp đơn xin phá sản vào tháng trước và đóng cửa các cửa hàng tại Mỹ, một phần nguyên nhân được cho là do sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài tận dụng quy định miễn thuế này.
Trong khi đó, Amazon cũng đã mở gian hàng trực tuyến giá rẻ vào cuối năm ngoái, bày bán các mặt hàng điện tử, quần áo và nhiều sản phẩm dưới 20 USD, với hàng hoá được vận chuyển từ kho của Amazon tại Trung Quốc.